Một lá thư xin việc gửi đến các tập đoàn tài chính ở Phố Wall đơn giản, khác biệt, nhưng gây ấn tượng. Đó là bức thư xin thực tập vào một ngân hàng đầu tư uy tín ở Phố Wall của sinh viên năm cuối chuyên ngành tài chính.
Bức thư được chia sẻ trên tờ Business Insider (tên sinh viên và ngân hàng không được tiết lộ) và nhanh chóng lan truyền như một hiện tượng vì lời lẽ giản dị và trung thực. Nhiều lãnh đạo các ngân hàng có uy tín ở Phố Wall cho rằng, bức thư đã ghi được điểm cộng, thuyết phục, đáng để họ dành thời gian xem xét. Tờ Forbes còn giật tít đây là thư xin việc hay nhất từ trước đến nay ở Phố Wall.
Thay vì đánh bóng, thổi phồng thành tích cá nhân, thư xin việc của sinh viên trên đi thẳng vào nguyện vọng muốn được thực tập ở ngân hàng đầu tư mình ấp ủ bấy lâu. Người này giới thiệu mình đến từ một đại học bình thường và mong nhận được sự chấp thuận ngoại lệ. Tự nhận mình không có những kỹ năng xuất chúng hoặc tố chất của thiên tài, người này nói mình chỉ có bảng điểm thành tích sạch sẽ và sẽ tận lực làm việc tại ngân hàng nộp đơn.
Thư có đoạn: “Tôi không muốn làm mất thời gian của quý công ty bằng những mỹ từ về thành tích cá nhân… Tôi không ngại làm những chuyện mà nhiều người cho là chuyện vặt như pha cà phê, đánh giày, tạp vụ… Ý tôi muốn nói là tôi muốn được học bằng cách quan sát từ những điều nhỏ nhặt trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Tích lũy càng nhiều kiến thức, kinh nghiệm kể cả ngoài chuyên môn, càng tốt”. Ngoài nội dung bày tỏ nguyện vọng được làm việc tại ngân hàng mình yêu thích, ứng viên chỉ chia sẻ việc đang chờ kết quả chấp thuận để được nhập học thạc sĩ khoa học kiểm toán, dự định sau đó là theo học luật.
Bức thư đơn giản nhưng gây ra làn sóng tranh cãi ở Phố Wall. Một số lãnh đạo các tập đoàn tài chính cho rằng đây là bức thư xin việc tuyệt vời, một số nói rằng họ sẽ liên lạc với người trên… Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ cách giới thiệu bản thân như sinh viên này. Trên các diễn đàn, một số người chia sẻ, đây chỉ là bức thư bình thường vì không cho thấy được điểm nổi trội để ứng viên được chọn dù chỉ là làm việc giai đoạn thực tập, nhất là trong thời điểm khủng hoảng, khó khăn như hiện nay, không dễ để tìm việc trong ngành ngân hàng.
Câu chuyện về bức thư xin việc chỉ là một câu chuyện nhỏ nhưng liên quan đến vấn đề lớn. Quan điểm về cách tiếp cận Phố Wall của người Mỹ đã ít nhiều thay đổi sau giai đoạn ảm đạm kéo dài của thị trường tài chính. Nếu theo cách nghĩ thông thường từ trước đến nay của văn hóa Phố Wall, thư xin việc càng bóng bẩy, càng nhiều thành thích sẽ càng được chú ý. Đó là tư duy thổi phồng.
Cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính bùng nổ từ năm 2008 cũng là hệ quả tất yếu của một thời gian dài của sự thổi phồng quá mức thực lực của các công ty lên sàn chứng khoán, của các tập đoàn tài chính với triết lý “too big to fall” (quá lớn nên không thể sụp đổ). Cuộc tranh cãi không ngã ngũ nhưng phải chăng nó cho thấy người Mỹ đã chán ngán việc thổi phồng, đánh bóng thực lực ở Phố Wall, và họ mong muốn đưa Phố Wall về với thực tế, dựa vào thực lực thay vì bề ngoài, lợi ích trước mắt trong giai đoạn nỗ lực thoát khỏi khủng hoảng?
Như Quỳnh