1. Khi bài báo này đến tay bạn đọc, trận bán kết giữa Việt Nam và Indonesia đã có kết quả. Thú thực ngay khi ngồi viết những dòng này vào thời điểm còn cách trận đấu quan trọng kia hơn 30 tiếng, tôi không làm sao hình dung được điều gì sẽ xảy đến cho đội U.23 Việt Nam trong trận đấu đó.
Màn trình diễn rệu rã trước Lào khép lại một hành trình gập ghềnh ở vòng đấu bảng và tô đậm thêm diện mạo nhợt nhạt của U.23 Việt Nam, là điều không một người hâm mộ nào chờ đợi ở đội bóng con cưng của mình khi kết quả bốc thăm được công bố.
Thoạt đầu, thấy thầy trò ông Goetz rơi vào một bảng đấu thuận lợi gồm toàn những đối thủ dưới cơ, người viết bài này không khỏi lo ngại những trận đấu nhàn nhã sẽ không đủ thử thách cho Thành Lương và đồng đội, rằng những trận đấu như đi dạo kia sẽ không giúp U.23 kịp “nóng máy” cho những trận đánh lớn ở bán kết và có thể là xa hơn nữa.
Hóa ra đó là những lo lắng vô nghĩa khi U.23 Việt Nam không hề nhởn nhơ dù được dạo chơi trên cánh đồng cỏ non tơ của bảng B. Ai cũng thấy Philippines, Đông Timor, Myanmar, Lào không hề mạnh dù xét dưới bất cứ khía cạnh nào. Ngay ở trận hòa duy nhất trước Myanmar, U.23 Việt Nam vẫn kiểm soát bóng đến 80%.
Dù vậy, ngoại trừ những điểm số gặt hái được một cách nhọc nhằn, lối chơi của Thành Lương và đồng đội vẫn chập chờn một cách khó hiểu. Ngoại trừ trận thắng dễ trước Brunei, ở tất cả các trận còn lại, U.23 Việt Nam luôn phô bày một lối chơi không dành cho những người hâm mộ có tiền sử bệnh tim.
2. Trước trận gặp Lào, các cầu thủ của ông Goetz có tới năm ngày nghỉ ngơi và hồi phục nhưng có vẻ họ đã sử dụng quãng thời gian quý báu đó cho việc nghĩ ra thêm nhiều cách thức mới để buộc điện tâm đồ của người hâm mộ phải trồi sụt bất thường trong suốt 90 phút.
Không cần một huấn luyện viên đến từ Đức, bất cứ một tín đồ bóng đá bình thường nào cũng thấy được yêu cầu hiển nhiên của trận gặp Lào: ngoài việc thu hoạch 3 điểm để tranh ngôi nhất bảng, điều quan trọng (thậm chí quan trọng nhất) là phải bảo vệ lực lượng cho trận bán kết hai ngày sau đó. Có 3 cách bảo vệ lực lượng: tránh chấn thương, tránh thẻ phạt và thắng sớm thắng nhàn để không phải dốc sức quá nhiều vào một trận cầu thủ tục với một đối thủ kém hơn mình về đẳng cấp.
Rốt cuộc, thầy trò ông Goetz thất bại cả ba: cầu thủ quan trọng ở hàng công Đình Tùng bị chấn thương, cầu thủ quan trọng ở hàng thủ Long Giang bị thẻ đỏ và cả đội thay vì có một trận đấu ung dung, nhẹ nhàng để dưỡng sức lại phải toát mồ hôi đá trối chết để lật ngược tình thế. Những trận trước, ông Goetz viện dẫn lý do tâm lý, lần này lý do đó đã hết thiêng, vì sẽ thật là ngượng miệng khi cứ đổ cho tâm lý hết trận này đến trận khác như thể để đá bóng hay các đội bóng trên thế giới cần phải có một nhà tâm lý học trong biên chế. Ông Goetz đành nói thật: “Tôi cũng không hiểu tại sao hôm nay các học trò của tôi đá dở thế!”.
3. Chiếc thẻ đỏ của Long Giang không chỉ là lỗi cá nhân mà đó là hệ quả của một hệ thống phòng thủ mà tôi không thể dùng từ gì khác hơn là lỏng lẻo, thậm chí hời hợt. Có thể ông Goetz là người Đức, ông không xem câu nói của ông Sacchi người Ý, cựu huấn luyện viên AC Milan: “Một đội bóng bắt đầu từ hàng phòng ngự” là nguyên tắc tiên quyết, nhưng dù ông Goetz muốn xây dựng một đội bóng thiên về tấn công thì để cho hiệu quả tấn công không đổ sông đổ bể, ông vẫn cần phải chú trọng đến việc gia cố và hoàn thiện hàng phòng ngự và dành cho khu vực trọng yếu này một mối quan tâm đúng mức.
Cho đến nay, người xem vẫn thấy hàng phòng ngự của U.23 Việt Nam là một phòng tuyến hết sức mỏng manh, mỗi khi đối phương tăng tốc là phòng tuyến này lập tức thủng lỗ chỗ.
Trong khi khu vực phòng ngự tỏ ra kém chắc chắn (trận tới lại mất thêm Long Giang, cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất và là thủ lĩnh hàng phòng ngự), thói quen bỏ lỡ những tình huống ghi bàn của hàng tấn công đã đạt tới mức độ báo động.
Những bài đánh biên của ông Goetz có thể không phù hợp với đội hình thiếu những tiền đạo chuyên nghiệp giỏi đè người cắt mặt như Thanh Bình, Công Vinh: cũng có thể không đủ thời gian để những học trò đã quen với lối đá phối hợp nhóm của ông Calisto tiêu hóa và thích nghi, nhưng việc các chân sút Văn Thắng, Văn Quyết, Hoàng Thiên, Trọng Hoàng triền miên phung phí các cơ hội trước mũi giày lại là một vấn nạn cá nhân mà nếu không giải quyết được, U.23 Việt Nam sẽ rất giống như người đi săn mà quên đem theo đạn.
4. Vậy làm sao để thắng Indonesia hay Malaysia? U.23 Việt Nam hẳn nhiên sẽ không thể thắng nếu vẫn đá như các trận vòng bảng. Muốn thắng, thứ nhất: đội tuyển phải “lột xác”. Phép màu này từng xảy ra với thầy trò Calisto ở Giải vô địch Đông Nam Á 2008: Đá giao hữu trước giải 10 trận không biết thắng là gì, đá các trận vòng bảng ì ạch giống như thầy trò ông Goetz hiện nay, nhưng bất ngờ bùng nổ ở các trận bán kết và chung kết để lên ngôi vô địch.
Thứ hai, về mảng miếng tấn công, đôi lúc cần làm trái lời thầy Goetz bằng cách pha trộn thêm những miếng đánh của ông thầy cũ. Những bàn thắng đến từ các quả chọc khe trong các trận vừa qua của U.23 Việt Nam chính là đã diễn ra trong “ngõ hẻm Calisto” chứ không phải trên “đường biên Goetz”.
Ở điểm này, Thành Lương và đồng đội cần phải học tập Trương Vô Kỵ. Lúc núi Võ Đang bị cao thủ Thiếu Lâm Tây Vực dưới trướng Triệu Minh bao vây, họ Trương bôi mặt giả dạng tiểu đồng để giải cứu Võ Đang. Để thân phận khỏi bại lộ, Trương Vô Kỵ buộc phải sử dụng võ học của Võ Đang mà gã không hề biết. Trương Tam Phong bèn kêu gã lại, dạy cho pho Thái cực quyền để gã có cái mà nghinh địch.
Dù thông minh xuất chúng, nhưng thời gian quá ngắn, họ Trương không thể thuần thục pho quyền pháp này nên lúc đối địch, thỉnh thoảng gã vẫn bí mật chêm vào những tuyệt chiêu Càn khôn đại nã di của Minh giáo Ba Tư. Nhờ vậy, gã mới giành thắng lợi. Trương Tam Phong nhận ra ngay trò lươn lẹo của gã, nhưng vẫn cười hề hề: “Khá lắm! Thằng nhỏ này học nhanh ghê!”.
Có lẽ ông Goetz cũng nên học tập thái độ cởi mở của Trương Tam Phong và học trò ông Goetz nên noi gương ứng biến của Trương Vô Kỵ. Có như vậy, may ra U.23 Việt Nam mới có được chiếc đinh để treo lên ước mơ vô địch. Chứ thuần dựa vào pho Thái cực quyền vừa đánh vừa ôn vừa tập một cách cọc cạch như những ngày vừa qua mà mong đội lên đầu chiếc vương miện SEA Games, e rằng cũng khó ngang chuyện lạc đà chui qua lỗ kim!
Chu Đình Ngạn