Dành tâm huyết cả đời mình cho cách mạng, cho dân tộc - có thể nói như thế khi đọc tác phẩm 60 năm thoáng nhớ một thời của tác giả Trần Hữu Phước. Là một trong những cán bộ lão thành cách mạng, ông là chiến sĩ từng gắn bó với chiến khu Rừng Sác, Cần Giờ những năm 1946 - 1947. Trên chiến trường Nam bộ, ông cũng có nhiều năm sống và chiến đấu ở các chiến khu, từ căn cứ Trung ương Cục ở Đồng Tháp Mười (1947 - 1951) đến căn cứ địa U Minh (1951 - 1954). Chiến khu Dương Minh Châu của miền Đông Nam bộ cũng in đậm dấu chân ông.
Thời kháng chiến chống Pháp, ông làm thư ký cho đồng chí Lê Đức Thọ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Bộ Tư lệnh phân liên khu miền Tây. Ông từng làm nghiên cứu sinh triết học ở Liên Xô, nhưng trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, ông là người cộng sự gần gũi với cái “nghiệp” làm bí thư - thư ký cho nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng. Ông còn là nhà hoạt động văn hóa giàu tâm huyết, người góp sức lớn lao trong dự án biên soạn tư liệu lịch sử cũng như bảo tồn, tôn tạo các căn cứ địa cách mạng trên chiến trường Nam bộ qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Cùng với những câu chuyện sinh động từ chiến khu, từ các mặt trận và kiến thức sâu rộng của nhiều năm hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, từng làm công tác báo chí xuất bản ở cả trong và ngoài nước, 60 năm thoáng nhớ một thời cho thấy một tâm huyết đời người, một nhãn lực sâu sắc của người giàu kinh nghiệm trong công tác tư tưởng, văn hóa với những nhận định tổng kết, đề xuất nhạy bén và sâu sắc.
Năm 1965, ông từng được Bộ Ngoại giao Liên Xô cấp thẻ nhà báo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam hoạt động tại Mátxcơva. Năm 1972, ông là Trưởng đoàn chuyên gia công tác tại Nhà xuất bản Tiến Bộ (Liên Xô) và được Nhà nước Xô viết tặng thưởng Huy chương Lao động…
Thật xúc động khi được xem lại bút tích của GS Trần Văn Giàu gửi cho Trần Hữu Phước năm 1962, trong lúc ông đang làm nghiên cứu sinh ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô: “Về sự lựa chọn đề tài làm luận án thì nói trước e khó, bởi vì sự lựa chọn ấy còn tùy thuộc một phần ở sở trường người học. Học triết học phương Đông không thể không biết chữ Hán (cổ), chữ sanscrit, nếu bây giờ mới bắt đầu cũng không phải không được, song phải trì chí lắm. Học triết học phương Tây thì phải giỏi ít nhất 1 trong 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha.
Giữa hai cái này, nếu phải chọn thì tôi chọn cái Đông phương vì nó gắn liền với xứ mình và còn giúp cho lâu dài về sau cho việc nghiên cứu của xứ mình. Nhưng cái khó nhất là ở chỗ phải đọc trực tiếp vào sách, phải học thứ chữ khó học. Triết học Mác-xít thì lẽ dĩ nhiên làm cái gì cũng phải học nó; nhưng học nó là cốt để làm một cái gì khác, nếu tôi thì tôi học triết học Mác nhưng không lấy nó làm đề tài luận án”. Trân trọng sự chỉ dẫn của người anh lớn, Trần Hữu Phước đã kiên định một con đường và đã đi đến nơi, về đến chốn.
60 năm thoáng nhớ một thời của Trần Hữu Phước ra mắt độc giả là món quà nhân dịp ông tròn 80 tuổi đời, 64 tuổi Đảng và nửa thế kỷ gắn bó với công tác báo chí, xuất bản, với ngành văn hóa và tư tưởng. Sách do Nhà xuất bản Phương Đông ấn hành.
MINH AN