Tôi có mặt trong chuyến công tác từ thiện về Cà Mau, tặng xe lăn cho người tàn tật nghèo. Khi xe dừng lại tại bến đò Năm Căn, chuyển xe lăn xuống tắc ráng để chở về các xã vùng sâu vùng xa thì cơn mưa lất phất tự nãy giờ bất ngờ đổ xuống tầm tã, dòng sông mênh mông trắng xóa mưa giăng.
Ông Nguyễn Tiến Toàn, Giám đốc Xí nghiệp Xe lăn Kiến Tường, người tài trợ xe lăn cho người tàn tật nghèo chuyến từ thiện này, chậm chạp bước xuống đò trong mưa, vì ông vừa trải qua một cơn tai biến. Mọi người lo lắng cho sức khỏe của ông, nhưng ông vẫn cười vui vẻ: “Còn đi làm từ thiện, còn giúp được người nghèo thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao của tôi, sá gì chuyện mệt nhọc, mưa gió”.
Ông Nguyễn Tiến Toàn (chống gậy) trong một chuyến cứu trợ thiên tai lũ lụt tại xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Ảnh: KINH QUỐC
Ông Toàn cho biết, ông sản xuất loại xe tốt nhất để trao tặng từ thiện, vì những người tàn tật nghèo vốn đã mất mát lớn lao trong cuộc sống không gì bù đắp được, nên họ phải nhận được những thứ tốt và đẹp nhất. Đây là loại xe lăn đa năng, di chuyển trên mọi địa hình, sản xuất theo công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Không chỉ tặng xe lăn, mà những khi hay tin nhiều địa phương bị bão tố thiên tai, bà con lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, ông Toàn lại đùm túm lên đường cứu trợ. Ông cho rằng không có gì quý bằng sự giúp đỡ kịp thời đối với bà con bị thiên tai.
Ông Toàn khởi nghiệp làm chiếc xe lăn từ năm 1986. Lúc ấy, một người bạn của ông làm ở Cục Quân Y cho biết, nhiều thương bệnh binh rất cần xe lăn để di chuyển. Ông đã tận mắt chứng kiến hai, ba thương bệnh binh dùng chung một xe lăn, vì lúc ấy trong nước chưa có cơ sở nào sản xuất xe lăn, chỉ có xe ngoại nhập. Cha của ông Toàn hoạt động cách mạng, sau ngày miền Nam được giải phóng cha con mới đoàn tụ.
Truyền thống cách mạng của gia đình đã thôi thúc ông Toàn phải làm cho bằng được chiếc xe lăn để giúp những người tàn tật đi lại dễ dàng, hòa nhập cộng đồng. Từ khi ông Toàn mở xưởng sản xuất xe lăn, bất cứ người tàn tật nào đến xưởng Kiến Tường mua xe lăn, dù họ thiếu tiền, cũng không một ai về tay không. Ông Toàn tạo mọi thuận lợi để họ có được xe lăn sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Với quan niệm: “Nhà trường mở ra, nhà tù khép lại”, ông Toàn đã góp tiền xây 2 trường trung học phổ thông (Trường Duy Tân ở tỉnh Phú Yên quê ông và Trường Phương Nam ở Thủ Đức). Ngoài ra, ông còn xây nhà cho thầy cô giáo, để ổn định cuộc sống, an tâm dạy tốt. Một việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần vào công cuộc an sinh xã hội to lớn nữa, đó là ông Toàn nhận những trẻ mồ côi, sống lang thang hè phố vào làm công nhân trong xưởng xe lăn. Nhiều người đã trở thành công nhân giỏi, đã nên vợ thành chồng do ông đứng ra cưới gả, tạo lập nhà cửa, xây dựng tương lai bằng chính sức lao động chân chính của mình. Hiện giờ ông có gần một trăm cháu nội, ngoại từ những đám cưới như thế. Hàng năm, vào ngày tết, cháu nội, ngoại của ông về chúc tết đầy cả nhà.
| |
NGUYỄN TƯỜNG LỘC