Sau khi được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí trên cương vị mới.
* Phóng viên: Nhậm chức trong bối cảnh cân đối ngân sách có thể nói đang khó khăn nhất từ trước đến nay, Bộ trưởng có thể cho biết định hướng chính sách tài khóa năm nay như thế nào?
* Bộ trưởng ĐINH TIẾN DŨNG: Cần tiếp tục triển khai Nghị quyết số 31 ngày 8-11-2012 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 ban hành đầu năm nay về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Theo đó, chúng ta tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, triệt để tiết kiệm, phục vụ mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Nhưng việc quan trọng hàng đầu là đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai minh bạch để tăng cường sự kiểm tra giám sát của nhà nước và xã hội.
* Bộ trưởng sẽ ưu tiên những nhiệm vụ nào trên cương vị mới?
* Nắm tình hình thu - chi NSNN; các giải pháp để tăng thu NSNN; chống thất thu ngân sách, xử lý nợ đọng; giảm chi ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách. Tiếp tục triển khai những chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; giải quyết nợ xấu. Nắm chắc tình hình nợ công, đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia theo các luật của Quốc hội và quy chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải cách các chính sách thuế, phí và thu ngân sách phù hợp để khuyến khích sản xuất tiêu dùng, cải thiện đời sống nhân dân, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu nhưng phải đảm bảo cân đối được NSNN. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý giá, đặc biệt là giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, các dịch vụ công…
* “Túi tiền quốc gia đang hụt dần” - theo như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo dự báo, khả năng thu ngân sách năm 2013 khó đạt được như dự toán. Bộ trưởng sẽ đề ra những giải pháp nào để hoàn thành mục tiêu cân đối ngân sách năm 2013?
* Chống thất thu ngân sách để bù đắp: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu NSNN; xử lý trốn thuế, nợ đọng thuế, xử lý các hành vi chuyển giá, buôn lậu, tăng cường chế tài thực thi nghiêm pháp luật về thuế. Tiết kiệm chi, cắt bỏ các khoản chi không thực sự cần thiết, đảm bảo các khoản chi trong dự toán được duyệt, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng trong chi tiêu ngân sách.
Cùng với đó, rà soát các giải pháp để kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, tiến tới tạo đà tăng trưởng kinh tế; rà soát tình hình thực hiện các chính sách, giãn, hoãn thuế, miễn giảm thuế, xem xét tỷ lệ động viên phù hợp để nuôi dưỡng nguồn thu, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo cân đối ngân sách.
* Khi còn ở cương vị Tổng Kiểm toán Nhà nước, năm nào Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện ra hàng chục ngàn tỷ đồng tiền: gian lận thuế, nợ đọng, chiếm dụng, sử dụng sai quy định. Bộ trưởng đã có giải pháp nào để thu hồi các khoản tiền nói trên để góp phần bảo đảm cân đối ngân sách trong năm 2013?
* Thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán để tăng thu ngân sách: kỷ luật, kỷ cương tài chính; kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán; phối hợp cấp ủy, chính quyền các cấp vào cuộc để chống thất thu NSNN. Mặt khác tạo điều kiện cho DN, người dân phát triển sản xuất để tạo nguồn thu NSNN.
* Nếu tốc độ tăng GDP không đạt 5,5% như dự kiến, hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn tiếp tục khó khăn, sẽ phải xử lý thế nào, thưa bộ trưởng?
* Đúng là tình hình kinh tế đang khó khăn, cần phải có thêm thời gian để đánh giá. Nhưng tôi cho rằng cũng phải có các phương án tính toán, các kịch bản có thể xảy ra để báo cáo với Quốc hội. Theo tôi, dù thế nào thì ngành tài chính cũng cần phải quyết tâm cao nhất để thực hiện với kết quả cao nhất dự toán NSNN năm 2013 đã được Quốc hội phê chuẩn. Đồng thời tiếp tục đề xuất các giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
* Để bảo đảm mức bội chi, tỷ lệ nợ công hoặc là phải tăng thu, hoặc phải giảm chi. Theo bộ trưởng, cần phải giảm chi ở những khoản nào: Đầu tư công, chi tiêu thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi hành chính?
* Tăng thu như đã nói ở trên. Về giảm chi: rà soát các nhiệm vụ chi thường xuyên và thực hiện chủ trương triệt để tiết kiệm, không ban hành chính sách chế độ mới làm tăng chi NSNN; cắt giảm hoặc lùi thời gian các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết; các khoản chi mua sắm trang thiết bị, ô tô; hạn chế tối đa hội nghị, hội thảo quốc gia, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định. Bên cạnh đó, tiết giảm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu… Tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã phân bổ cho các nhiệm vụ chi như lễ hội, tiếp khách, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài…
* Cảm ơn Bộ trưởng!
ANH PHƯƠNG