Tản mạn từ hội thảo di sản văn hóa ở Kiên Giang...

Vừa qua, nhiều nhà văn hóa nghệ thuật, nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử, nhà văn... từ Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh Nam bộ về Kiên Giang dự hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực” tại Rạch Giá, và “Di sản văn hóa Hà Tiên – Bảo tồn và phát triển” tại Hà Tiên. Gần 60 tham luận đã được viết gửi tới, với những đề tài đa dạng, phong phú, in thành hai bộ tài liệu dày cộp lưu hành trong hội thảo...
Tản mạn từ hội thảo di sản văn hóa ở Kiên Giang...

Vừa qua, nhiều nhà văn hóa nghệ thuật, nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử, nhà văn... từ Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh Nam bộ về Kiên Giang dự hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực” tại Rạch Giá, và “Di sản văn hóa Hà Tiên – Bảo tồn và phát triển” tại Hà Tiên. Gần 60 tham luận đã được viết gửi tới, với những đề tài đa dạng, phong phú, in thành hai bộ tài liệu dày cộp lưu hành trong hội thảo...

Tại Rạch Giá, đoàn vào viếng đền thờ Nguyễn Trung Trực, dẫn đầu là nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư với áo dài khăn đóng nhung đen thật trịnh trọng. Cụ năm nay 88 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn, giọng nói xứ Nghệ rành rọt, sang sảng như chuông đồng.

Tại đền thờ Nguyễn Trung Trực có ghi bài thơ tuyệt mệnh của người anh hùng dân tộc trước khi bị hành quyết:

Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên
Yêu gian đởm khí hữu long tuyền
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa
Báo hận thâm cừu bất đái thiên.

Đại ý: Binh thư, vũ khí đã theo từ thuở nhỏ,
Vận khó (cần) dũng khí đã có gươm long tuyền,
Anh hùng nếu gặp lúc không chốn dung thân
Trả hận thù sâu không đội trời.

Bài thơ thật hay, dũng khí thật cao, tiếc rằng cho tới nay, chưa có bản dịch nào thật hay, thật đạt nên nó chưa được phổ biến rộng như bài thơ tuyệt mệnh của Nguyễn Hữu Huân:

Kiến nghĩa ninh cam bất dũng vi
Toàn bằng trung hiếu tác nam nhi
Thử thân sinh tử hà tu luận
Duy luyến huyên đường bạch phát thì

(Thấy nghĩa lòng đâu dám hững hờ
Làm trai trung hiếu quyết tôn thờ
Thân này sống chết đâu màng tới
Thương bấy mẹ già tóc bạc phơ)

Bài này cũng rất hay, chất nhân văn sâu sắc khiến người đọc nghẹn ngào. Cả hai bài: dũng khí ngút cao và nhân văn sâu sắc là hai đức tính nổi bật của người Nam bộ, hiện lên trong thơ tuyệt mệnh của hai vị anh hùng...

Ở đền thờ Nguyễn Trung Trực còn có một hiện vật là chiếc chiếu (cuốn lại và đặt trên giá đỡ trang trọng) nhắc nhớ truyền thuyết: đồng bào xã Tà Niên (gần trung tâm Rạch Giá, nơi diễn ra buổi hành quyết cụ Nguyễn Trung Trực) đã dệt để trải đường đưa ông ra pháp trường, tại đó cũng đặt sẵn bàn thờ khói hương nghi ngút, trên có mâm cơm, rượu, đĩa trái cây và chiếc áo vạt hò cổ truyền (áo cài chéo bên nách) vừa mới may... Bất chấp lũ giặc, đồng bào quỳ xuống lạy ông ba lạy, tế sống ông... Nghĩa là có rất nhiều truyền thuyết với những mô-típ hết sức xúc động và độc đáo về người anh hùng Nguyễn Trung Trực...

Trong hội thảo, chúng tôi có góp ý nên mau chóng tổ chức viết sách để đưa các truyền thuyết vào văn chương vì văn chương có tác dụng sâu sắc, lưu giữ và lan truyền mạnh mẽ trong lòng cả một cộng đồng. Khâu đột phá là văn chương, từ đó mà ra sân khấu, âm nhạc, hội họa, múa, cả những tượng đài... Có thể viết và in sớm những truyền thuyết ngắn gọn nhưng giàu tính văn chương thành những tập sách nhỏ, tiện cho du khách bỏ túi, vừa với túi tiền. Và cũng nên tổ chức ngay việc viết tiểu thuyết lịch sử. Chẳng hạn như việc giặc Pháp bắt mẹ ông hòng khuất phục ông thì hay chẳng kém gì màn Đổng mẫu và Đổng Kim Lân trong tuồng cổ điển hình San hậu... Rồi màn đốt tàu L’Espérance, còn lưu trong sử sách và văn thơ hỏa hồng Nhật Tảo... Rồi buổi hành quyết: ông ôm đầu bị chặt đứt gắn lại vào cổ, trợn mắt sang trái, bọn giặc ngã rạp, trợn mắt sang phải, lũ tay sai vỡ mật... thì chắc chắn không kém, nếu không muốn nói là hơn chương hành quyết trong tiểu thuyết nổi tiếng Ruồi Trâu, được nhắc đến nhiều lần trong Thép đã tôi thế đấy...

Đền thờ Nguyễn Trung Trực. Ảnh: T.L.

Đền thờ Nguyễn Trung Trực. Ảnh: T.L.

Ở miền cảnh đẹp Hà Tiên, hội thảo về “Di sản văn hóa Hà Tiên – Bảo tồn và phát triển” càng sôi nổi và nhiều ý kiến hơn, nhất là nhắm vào tạo sản phẩm mới cho du lịch. Lại thêm vào buổi giải lao, các đại biểu được thưởng thức bánh trái, thức uống... của lạ Hà Tiên như bánh thốt nốt của đồng bào Khmer, làm bằng bột trái thốt nốt rất ấn tượng, độc đáo khiến cho một đại biểu lên diễn đàn hô hào làm sao cho bánh thốt nốt thành đặc sản du lịch Hà Tiên...

Trong hội thảo này, chúng tôi cũng có bài tham luận về Tao đàn Chiêu Anh Các:

Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn có viết: “Mạc Thiên Tứ (Tích) còn có thơ hồi văn vịnh cảnh bốn mùa ở hiên Thụ Đức. Tập thơ này có khắc in, Phương Thu Bạch đề từ”. Tiếc rằng bốn bài hồi văn vịnh cảnh của Mạc Thiên Tích đã không được in lại, đến nay đã thất lạc. Hồi văn là lối thơ viết theo nhiều chiều, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới hoặc ngược lại, hay viết chéo 45 độ, trình bày thơ theo hình quả trám... mà nàng Tô Huệ đã làm trong bài Chức cẩm hồi văn... Nếu đúng vậy thì chúng ta – hiện quan tâm tới cách trình bày thơ như viết “thơ hình thang, hình tam giác...” chẳng hạn – cũng nên biết đó không phải là phát kiến hoàn toàn mới, mà mấy trăm năm trước, Mạc Thiên Tích, và cả ngàn năm trước bà Tô Huệ đã làm rồi... Xin nói thêm rằng người đời sau thán phục Chức cẩm hồi văn vì nội dung tuyệt diệu của nó như tả cảnh thì: Hoa rơi không kẻ quét đầy đàng (Lạc hoa mãn địa vô nhân tảo) hay tả tình Lòng ước làm trăng ngoài biển cả/Hoặc làm mây móc chốn cao san (Nhất tâm nguyện tác thương hải nguyệt/Nhất tâm nguyện tác lãnh đầu vân) để soi rọi, để bay đến nhìn nhau dù cách nhau muôn dặm (Thiên lý vạn lý giai tương kiến), hơn là vì hình thức trình bày mới lạ, chẳng giống ai, cho dù nó đã đạt đến trình độ tuyệt mỹ là “dệt gấm lồng thơ” (chức cẩm hồi văn)...

TRẦN THANH GIAO

Tin cùng chuyên mục