
Chưa đầy 2 tuần sau khi nhậm chức, Tân Tổng thống Nga Dmitri Medvedev ngày 19-5 đã ký sắc lệnh về các biện pháp mới chống tham nhũng theo con đường mà Tổng thống tiền nhiệm Vladimir Putin đã vạch ra.
“Di sản” tham nhũng từ thời Yeltsin
Phát biểu trước các quan chức tư pháp và an ninh, Tổng thống Medvedev nói: “Rõ ràng rằng tham nhũng là mối đe dọa của mọi quốc gia. Nó phá hủy môi trường kinh doanh, làm suy yếu và băng hoại hình ảnh nhà nước. Nhưng cái chính là tham nhũng làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với chính phủ”.

Tân Tổng thống Nga Dmitri Medvedev.
Những năm đầu thập niên 1990, khi ông Boris Yeltsin trở thành Tổng thống đầu tiên của LB Nga, ông thề sẽ diệt tận gốc tham nhũng. Thế nhưng, trong 8 năm cầm quyền của mình, tham nhũng đã sinh sôi như nấm tại Nga, hình thành các tập đoàn mafia khét tiếng sang tận các nước phương Tây.
Bản thân cựu Tổng thống Boris Yeltsin cũng bị cáo buộc liên quan đến một vụ hối lộ lớn của công ty Mobitex có trụ sở đặt tại Lugano, Thụy Sĩ. Nhiều lời đồn đoán rằng gia đình Tổng thống Yeltsin nhận nhiều biệt thự làm quà từ giới doanh nhân Nga.
Thời kỳ Yeltsin đánh dấu bằng việc mức sống của người dân sa sút trầm trọng nhưng một số người được hưởng đặc ân của ông Yeltsin từ việc tư hữu hóa tài sản nhà nước trở nên giàu có khủng khiếp, trong đó đáng kể là tỷ phú Boris Berezovsky (hiện đang sống lưu vong tại Anh). Nhà báo Mỹ gốc Nga Paul Klebnikov từng viết về Berezovsky như sau: “Sử dụng quyền tiếp cận các quan chức cấp cao nhất của chính phủ Nga và với uy tín là người bạn thân của gia đình Yeltsin, Berezovsky đã bỏ công sức vào các dự án tư nhân hóa nhằm chuyển các ngành công nghiệp quan trọng của LB Nga vào tay ông ta”.
Sự cầm quyền của các chính ủy trong thời Liên Xô được thay thế bằng các nhóm tội ác, các thành phần bất hảo, những người nắm quyền kiểm soát kinh tế quốc gia không vì bất cứ lý tưởng nào mà chỉ tập trung làm giàu cho chính họ. Các cuộc bán đấu giá tạo đặc ân cho các cận thần của Yeltsin với giá rẻ mạt. Từ đó, nền kinh tế Nga bắt đầu chuyển sang các tay đầu sỏ chính trị như Berezovsky, Mikhail Khodorkovsky, Vladimir Gusinsky và Leonid Nevzlin.
Tổng thống Medvedev tiếp tục chống tham nhũng
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Putin đã có sắc lệnh miễn truy tố ông Yeltsin nhưng bắt đầu tính sổ các cận thần của ông Yeltsin, buộc họ hoặc phải ngồi tù hoặc phải sống lưu vong ở nước ngoài. Từ đây, chính sách tư nhân hóa của Tổng thống Yeltsin bị đảo ngược, mafia Nga gần như bị loại khỏi các ngành kinh tế then chốt của Nga.
Tuy vậy, lực lượng mafia Nga sau khi bị Tổng thống Putin phế truất luôn ngấm ngầm muốn trở lại chính trường Nga và đang tung tiền cho các tổ chức đối lập tại Nga phá hoại chính sách của chính phủ Nga, trong đó đáng chú ý là các quỹ của Berezovsky. Tổng thống Medvedev cho rằng mức độ tham nhũng vẫn còn rất cao. Theo thống kê của Quỹ Indem, tham nhũng làm thiệt hại kinh tế Nga từ 2,8 đến 3 tỷ USD mỗi năm.
Chỉ trong năm 2007, đã phát hiện 10.500 trường hợp tham nhũng. Theo Tổng thống Medvedev: “Đây chỉ là phần nổi của tảng băng” . Theo ông Sergei Naryshkin , chánh văn phòng tổng thống Nga, một hội đồng chống tham nhũng do Tổng thống Medvedev đứng đầu sẽ được thành lập trong thời gian sắp tới. Ông Naryshkin được bổ nhiệm đứng đầu nhóm công tác chống tham nhũng liên bộ với sự điều phối của văn phòng tổng chưởng lý.
Tổng thống Medvedev đưa ra một biện pháp trọn gói chống tham nhũng bao gồm: thứ nhất, sửa đổi luật chống tham nhũng. Thứ hai, chương trình chống tham nhũng quốc gia bao gồm các biện pháp chống tham nhũng về kinh tế và xã hội cũng như các biện pháp phòng ngừa. Thứ ba, hành vi chống tham nhũng cần được khuyến khích trên cả nước, trong đó người dân cần được giáo dục về các lĩnh vực pháp lý trong đấu tranh chống tham nhũng.
Sau khi nhậm chức tổng thống, một trong những hành động chống tham nhũng đầu tiên của ông Medvedev là quyết định chấm dứt các cuộc thanh tra chuyên quyền của các quan chức tới các công ty nhỏ, nơi mà họ thường vòi vĩnh tiền đút lót. Việc sửa đổi luật chống tham nhũng mà Tổng thống Nga theo đuổi sẽ giúp ngăn chặn lổ hổng từng tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển, minh bạch hơn chi tiêu của chính phủ.
Phát biểu trên truyền hình Nga, ông Medvedev nói: “Ở những nước có nền văn hóa pháp lý cao, người ta không nhận hối lộ không chỉ vì họ sợ mà còn vì nó không mang lại lợi ích nào, nó có thể hủy hoại sự nghiệp của họ”. Theo ông “đó có thể là điều khích lệ mạnh nhất”.
Tham nhũng ở Nga không chỉ xuất hiện ở nhiều tầng lớp khác nhau: cảnh sát vòi vĩnh tiền của tài xế bằng cách chỉ ra các lỗi vi phạm mà họ dựng lên, các bậc phụ huynh thì đưa tiền cho giáo viên cốt để con họ đạt điểm cao, bệnh nhân “bôi trơn” cho các bác sĩ và nhân viên bệnh viện để nhận được sự được chăm sóc dù có khi ở mức tối thiểu. Sinh viên ra trường cũng phải biết “chạy” việc. Nhiều công ty còn hối lộ cho các quan chức thi hành luật để bóp chẹt hoặc đóng cửa các đối thủ cạnh tranh bằng các cáo buộc như trốn thuế, vi phạm bản quyền…
Theo bà Yelena Panfilova, thành viên tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), “nước Nga đã chứng kiến các vấn đề này và hiện nay chiều hướng ngày càng tích cực hơn nhờ có cuộc chiến chống tham nhũng”. Mặc dù vậy, theo bà, chính phủ cần có hành động cụ thể hơn.
Với các biện pháp chống tham nhũng mới, Nga đang hy vọng sẽ nâng hạng sau khi TI liệt nước này vào hạng 143 (cùng hạng với Togo, Indonesia và Gambia) trong bảng danh sách các nước tham nhũng trên thế giới (từ thấp đến cao).
Vũ Minh
(Theo Novosti, Reuters, IHT)