Tăng cường đảm bảo an toàn lao động

Công tác đảm bảo an toàn lao động - vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh đóng một vai trò hết sức quan trọng; trước hết là để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động, bảo vệ tài sản, tài nguyên và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Sản xuất tại một doanh nghiệp cơ khí ở TPHCM. Ảnh: DŨNG LÊ
Sản xuất tại một doanh nghiệp cơ khí ở TPHCM. Ảnh: DŨNG LÊ

Nhiều ý kiến cho rằng, để góp phần phát triển kinh tế, giảm rủi ro tai nạn trong lao động, chúng ta cần tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các nhà máy, xí nghiệp cho người lao động. 

Năm 2017, hơn 1.500 vụ tai nạn lao động 

Theo Ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM (Hepza), đa số doanh nghiệp hoạt động trong các KCX-KCN có quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn lao động - vệ sinh lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ công tác này nên tai nạn lao động vẫn xảy ra. Năm 2017, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.517 vụ tai nạn lao động, làm bị thương 1.353 người,  213 người chết; riêng trong các KCX-KCN xảy ra 3 vụ tai nạn lao động chết người. Để giảm tình trạng tai nạn trong lao động, thành phố yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động và người lao động cần nâng cao ý thức chấp hành, đảm bảo an toàn lao động - vệ sinh lao động, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ tài sản, tài nguyên và tính mạng con người. 

Là đơn vị sử dụng lao động trong KCX, ông Trần Thiện Trung, Phó Giám đốc KCX Linh Trung 1 (Thủ Đức), cho rằng trong môi trường kinh tế hiện nay, muốn duy trì và phát triển sản xuất phải đảm bảo an toàn vệ sinh lao động vì có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng hiệu quả. Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra gần đây gây thiệt hại lớn về người và tài sản, cũng như những mất mát về tinh thần rất khó bù đắp đối với nhiều gia đình và xã hội. Trong mọi hoạt động sản xuất, phương tiện lao động và môi trường lao động là những yếu tố  tác động trực tiếp đối với người lao động. Với mục tiêu bảo vệ an toàn cho người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đơn vị sử dụng lao động phải hết sức coi trọng công tác an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp ngành, nhất là vai trò của người lao động trong việc tự bảo vệ mình và đồng nghiệp, tránh các nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động, cũng như tăng cường biện pháp phòng ngừa, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. 

Nâng cao nhận thức 

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Huy Thông, Phó trưởng Hepza, cho biết để hạn chế tình trạng tai nạn xảy ra trong lao động sản xuất, các doanh nghiệp cần chủ động tuyên truyền, kêu gọi người lao động tham gia hưởng ứng công tác an toàn vệ sinh lao động bằng các hình thức treo băng rôn, pano, áp phích tuyên truyền trong khu vực sản xuất; rà soát và xây dựng đầy đủ các nội quy, quy định về an toàn lao động; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh cho người lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Đối với người lao động, cần thực hiện chấp hành nghiêm túc nội quy an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp. Người lao động phải nhận thức đầy đủ việc nghiêm túc chấp hành này, trước hết là nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe cá nhân mình, an toàn cho người xung quanh và doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Hoài Nhân, Trưởng phòng Lao động, Sở LĐTB-XH  TPHCM đề xuất, để giảm thiệt hại do tai nạn lao động gây ra, tất cả chúng ta cần quan tâm, tìm hiểu các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và đặc biệt là những quy chuẩn kỹ thuật về an toàn để chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm như nguồn điện, chất nổ, máy cuốn kẹp sắt, sập đổ hàng hóa... và các yếu tố có hại như khí hậu, bụi, tiếng ồn, tư thế làm việc, tiếp xúc với hóa chất. Theo đó, các đơn vị sử dụng lao động cần đẩy mạnh hoạt động, tổ chức tư vấn, cử chuyên gia huấn luyện, hỗ trợ cho người lao động; hướng dẫn xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn; hướng dẫn, tư vấn cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động như phát động các phong trào thi đua, ký giao ước thi đua đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các phân xưởng, tổ, đội sản xuất; tổ chức các cuộc thi, sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giao lưu văn hóa, văn nghệ lồng ghép với nội dung tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động…

Tin cùng chuyên mục