Hội thảo chuyển tải những nội dung cơ bản liên quan đến chiến lược biển, đảo Việt Nam; tiếp tục công bố những nghiên cứu, tư liệu mới liên quan đến quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng; nghiên cứu thực trạng và các giải pháp nhằm tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn hiện nay.
TS Nguyễn Thanh Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển - Bộ Quốc phòng, cho rằng chiến lược biển được ban hành đã định hướng cho sự phát triển các lĩnh vực kinh tế biển đồng bộ và khắc phục được những bất cập trong quá trình phát triển, nhất là trong lĩnh vực kinh tế hàng hải, đóng tàu biển và dịch vụ cảng biển. Trong bối cảnh hiện nay cần chú trọng đến công tác kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế. Để bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải quốc tế, Việt Nam cùng với các nước trong khu vực đang triển khai thực hiện chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình để góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Tham luận về cơ chế tài phán quốc tế để bảo vệ các quyền của Việt Nam trên Biển Đông hiện nay, GS-TS Nguyễn Bá Diến (Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế) cho rằng: “Muốn có một nền hòa bình đúng nghĩa, để bảo vệ được hiệu quả nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, không còn sự lựa chọn nào khác, dứt khoát Việt Nam phải xây dựng một “chiến lược bảo vệ chủ quyền, an ninh và hòa bình chủ động” một cách toàn diện và tổng thể của mình”.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, những nghiên cứu về biển Đông có nhiều, riêng tư liệu về Hoàng Sa nói chung cũng tương đối phong phú. Tuy nhiên, việc truyền thông giáo dục thiết thực, hiệu quả về quần đảo Hoàng Sa đến với nhiều đối tượng khác nhau vẫn là vấn đề cấp thiết. Đồng quan điểm, Th.S Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, cho rằng, việc xác định tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa là sứ mệnh thiêng liêng của mọi người Việt Nam. Đối tượng để tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa rất rộng, nhưng chủ yếu là học sinh-sinh viên.
Riêng đối với TP Đà Nẵng, những năm qua, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã đưa Hoàng Sa vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương. Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Hoàng Sa (năm 2014). Bằng những hoạt động thiết thực, trong những năm qua, UBND huyện Hoàng Sa đã phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo thiêng liêng này. Việc sưu tầm, tiếp nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu về Hoàng Sa và tiến hành xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của UBND huyện Hoàng Sa và TP Đà Nẵng trong việc tuyên truyền về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.