Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM
Nhiều đồ án quy hoạch phát triển đô thị đã được TPHCM phê duyệt, thế nhưng, dường như điều ấy vẫn chưa giải quyết căn cơ yêu cầu phát triển bền vững của thành phố. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, quy hoạch được công bố song chưa có điều kiện thực hiện sớm, vô hình trung đã “đẩy” người dân trong vùng quy hoạch vào tình huống khó khăn. Nhà cửa không được xây, sửa hoặc rất khó mua, bán… Chính vì vậy, trước thông tin Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã cơ bản hoàn thành công tác “phủ kín” quy hoạch toàn thành phố, PV Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc về những tồn tại này.
Xây dựng quy chế quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch
* Thưa ông, nhiều người dân cho rằng “không có quy hoạch” cũng khổ vì không có căn cứ để xây dựng, mua, bán và sang nhượng nhà đất. Tuy nhiên, có quy hoạch song quy hoạch bị “treo” cũng mệt mỏi… Vậy trong lần “phủ kín” quy hoạch này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có giải pháp nào để chấn chỉnh những bất cập nêu trên?
* Ông TRẦN CHÍ DŨNG: Bên cạnh công tác lập quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang gấp rút xây dựng quy chế quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch. Quy chế quản lý này bao gồm các quy định cụ thể về kiến trúc, quy hoạch, xây dựng và trách nhiệm của các cấp chính quyền thành phố trong việc thực hiện đồ án quy hoạch. Quy chế là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý kiến trúc, quy hoạch, xây dựng ra các quyết định về quản lý đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ… Với chức năng như vậy, quy chế quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch sẽ là một trong những giải pháp khả thi để xử lý các bất cập còn tồn tại trong việc lập và triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn thành phố.
Đơn cử như trong Nghị định 64 của Chính phủ có quy định, những căn cứ để cấp phép xây dựng là quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị hoặc quy chế quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết 1/500 thường chỉ được lập khi có dự án xây dựng cụ thể, thiết kế đô thị cũng tương tự, thường cũng chỉ nghiên cứu thực hiện tại một số khu vực trọng điểm… Do vậy, quy chế quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch sẽ là căn cứ lớn nhất để cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng cho người dân, tạo điều kiện cho người dân xây, sửa nhà cửa. Chưa hết, với nội dung quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện đồ án quy hoạch, quy chế quản lý đồ án quy hoạch còn giúp minh bạch hóa công tác cung cấp thông tin quy hoạch kiến trúc liên quan đến quản lý đô thị.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã triển khai và sắp hoàn tất quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị TPHCM nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị chung TPHCM. Ngoài ra Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đã và đang xây dựng quy chế quản lý kiến trúc ba trục đường là Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng và xa lộ Hà Nội. Trước đó, song song với việc lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trung tâm hiện hữu mở rộng TPHCM rộng 930 ha, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đã trình UBND TPHCM phê duyệt quy chế quản lý đồ án này. Hiện nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang phối hợp với các quận, huyện để hoàn thành quy định quản lý đô thị theo đồ án quy hoạch chung xây dựng của các quận, huyện, đối với những đồ án đã được phê duyệt.
* TPHCM đã có một số quy định về quản lý kiến trúc như Quyết định 135 và 45 về quản lý không gian kiến trúc nhà liên kế trong khu dân cư hiện hữu… mang tính chất bao trùm cả thành phố. Vậy giữa quy chế quản lý quy hoạch và các quyết định nêu trên, người dân sẽ phải thực hiện theo quy định nào?
* Quy chế quản lý theo đồ án quy hoạch chung và quy chế quản lý kiến trúc TPHCM có nghiên cứu và tích hợp đầy đủ các nội dung đã chỉnh sửa của các quy định về quản lý không gian kiến trúc kể cả Quyết định 135 và 45 về nhà ở liên kế trong khu đô thị hiện hữu đã ban hành trước đây. Do đó, ở những khu vực đã có quy hoạch và quy chế quản lý theo đồ án quy hoạch, khi có nhu cầu người dân nên tham khảo cụ thể quy chế để biết phải thực hiện những việc gì.
Tăng cường kiểm soát sau quy hoạch
* Lập quy hoạch hay xây dựng quy chế quản lý theo đồ án quy hoạch mới là khởi đầu của cả quá trình thực hiện quy hoạch. Người dân đã thấy TPHCM có rất nhiều đồ án quy hoạch đẹp, tốt nhưng khi triển khai thực tế lại không cho ra những đô thị, những khu dân cư đẹp, tốt… Như vậy, còn một vế rất quan trọng trong việc thực hiện quy hoạch là quản lý sau quy hoạch… Thưa ông, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có những giải pháp gì trong vấn đề này?
* Đúng là còn một vế rất quan trọng trong việc thực hiện quy hoạch là quản lý sau quy hoạch… Trong chức trách của mình, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang xúc tiến thành lập phòng quản lý sau quy hoạch. Chức năng chính của phòng là rà soát, theo dõi công tác công bố công khai quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch minh bạch, rõ ràng cho người dân và doanh nghiệp, lập quy định, quy chế quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng, rà soát điều chỉnh quy hoạch không khả thi theo quy định…; phối hợp với các sở chuyên ngành và các quận, huyện tiến hành quản lý cắm mốc ranh các đồ án quy hoạch, các trục đường giao thông lớn đã được xác định trong các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt…
Trước hết, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ xác định cắm ranh trên hồ sơ của các đồ án quy hoạch và sau đó là triển khai trên thực tế. Tiếp đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ bàn giao ranh mốc lại cho các quận, huyện và sở ngành chuyên môn để các đơn vị này thực hiện và quản lý. Riêng đối với việc quản lý thực hiện quy hoạch theo từng đồ án phát triển đô thị, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng tiến hành. Tinh thần là thanh tra xây dựng kiểm tra xây dựng công trình… Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra thực hiện theo quy hoạch đã được duyệt. Tuy nhiên, một thực tế cần được lưu tâm, khác với việc thực hiện từng công trình có thể tính theo từng năm, từng tháng, việc thực hiện cả một đồ án quy hoạch nhiều khi phải mất đến hàng chục năm. Do vậy, công tác kiểm tra sau quy hoạch là một công tác dài hơi, xuyên suốt.
Lắng nghe ý kiến của cộng đồng và nhà đầu tư để quy hoạch khả thi hơn
* Một câu hỏi cuối thưa ông. Hiện nay, một trong những lý do khiến nhiều đồ án quy hoạch trên địa bàn TPHCM bị “treo”, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân là do… không có nhà đầu tư để thực hiện quy hoạch này. Chính vì vậy, đang có nhiều ý kiến cho rằng, nên đổi mới công tác lập quy hoạch theo hướng mời các nhà đầu tư tham gia ý kiến trong quá trình cơ quan Nhà nước lập quy hoạch thay vì chỉ có ý chí của Nhà nước như hiện nay. Góp ý của các nhà đầu tư sẽ giúp quy hoạch khả thi hơn. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
* Quy hoạch xây dựng đô thị là công tác dự báo về tổ chức phát triển không gian đô thị, hạ tầng đô thị, tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích thành phố với lợi ích cộng đồng, đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường. Để có được quy hoạch tốt, đi vào đời sống xã hội cần có tầm nhìn xa với các cân nhắc kỹ càng về tính khả thi, phù hợp thực tế của quy hoạch. Muốn thế, chất lượng làm công tác quy hoạch xây dựng phải được nâng cao qua việc đánh giá, phân tích nhiều yếu tố từ kinh tế đến xã hội, đặc biệt phải phù hợp với điều kiện tự nhiên. Dự báo phát triển đô thị phải phù hợp theo từng giai đoạn phát triển, trong đó đặc biệt phải đảm bảo yếu tố lấy ý kiến quần chúng trong giai đoạn lập quy hoạch đúng theo quy định.
Hiện nay, tùy theo đồ án quy hoạch xây dựng, nếu là dự án đầu tư đô thị mới thì Chính phủ cũng đã cho phép nhà đầu tư lập quy hoạch xây dựng trên cơ sở định hướng quy hoạch chung đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tôi cho rằng, như thế quy hoạch sẽ khả thi hơn.
* Cảm ơn ông.
NGUYỄN KHOA