Tại cuộc họp về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tổ chức ngày 19-10 của Bộ NN-PTNT, các cơ quan chức năng được giao trách nhiệm kiểm tra, quản lý an toàn thực phẩm khẳng định, lại vừa phát hiện thêm hàng loạt sản phẩm khác nhiễm khuẩn, có chứa dư lượng độc hại sức khỏe gồm: măng khô, thịt bò khô và cá biển.
- Đã rõ chuyện cá biển “bẩn”
Trong tháng 10-2012, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thu thập, kiểm tra các mẫu thực phẩm bao gồm cá biển, măng khô, măng tươi, mực khô... đang bị người tiêu dùng nghi ngờ không đảm bảo ATVSTP để thông tin rõ.
Theo đó, Cục Thú y đã thành lập đoàn kiểm tra và lấy 40 mẫu thịt bò khô trên 2 thị trường Hà Nội và TPHCM để kiểm tra ô nhiễm vi sinh vật và sudan. Đồng thời, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và lấy 50 mẫu măng (gồm 27 mẫu măng khô, 21 mẫu măng tươi, măng chua và 2 mẫu măng ớt) tại các tỉnh gồm: Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Thanh Hóa để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về kim loại nặng, cyanua, lưu huỳnh và sunfite. Còn Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã yêu cầu các trung tâm kiểm nghiệm vùng và các chi cục địa phương kiểm tra, lấy mẫu các loại cá biển tại các tàu cá, cảng cá, bến cá, chợ đầu mối, chợ bán lẻ thủy sản thuộc TP Hải Phòng, Đà Nẵng và TPHCM. Tổng mẫu cá biển được phân tích là 90 mẫu.
Sau khi phân tích, kiểm tra dư lượng, chỉ tiêu ATVSTP trong tổng số 90 mẫu cá biển thu thập, cơ quan chức năng phát hiện có 54 mẫu cá biển có chứa urea (là một loại đạm mà từ lâu nay người tiêu dùng đã nghi ngờ các đại lý, cơ sở kinh doanh sử dụng để ướp cá) nhưng giá trị phát hiện thấp (nằm trong khoảng từ 10 - 125ppm). Song ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, nói: “Bản thân trong con cá đã chứa urea. Với dư lượng phát hiện ở mức thấp như vậy có thể khẳng định do nội sinh, không phải người đánh bắt, buôn bán cho vào. Cũng ở mức thấp nên không có khả năng gây ngộ độc cho người ăn”.
Tuy nhiên ông Tiệp bày tỏ: “Đáng lo ngại đối với cá biển không phải là urea mà là chất histamin, một hoạt chất nội sinh trong quá trình lưu trữ và bảo quản cá, cực độc, ở nồng độ thấp gây ngứa ngáy cơ thể, nếu ở nồng độ cao có thể gây tử vong”. Theo đó, đã phát hiện có 14/45 mẫu cá biển có histamin vượt ngưỡng tối đa cho phép. Tại các chợ bán lẻ, có tới 55% số mẫu phát hiện có histamin vượt ngưỡng. Tại địa bàn TPHCM, cục đã lấy 12 mẫu cá bạc má thì phát hiện 10 mẫu có histamin vượt ngưỡng tối đa cho phép. Các vụ ngộ độc ở TPHCM thời gian qua đều liên quan đến histamin do sử dụng cá thu mua ở chợ chiều về chế biến cho công nhân.
Đối với chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật (e.coli và salmonella) cũng phát hiện 17/90 mẫu cá biển chứa e.coli vượt quá giới hạn cho phép, 13/43 mẫu phát hiện nhiễm chất salmonella. Điều đó chứng tỏ điều kiện vệ sinh cá biển khá “bẩn”, tỷ lệ mẫu nhiễm e.coli đã tăng từ 5,5% lên 30%, nhiễm salmonella (gây thương hàn) tăng từ 5,5% lên 28%.
- Báo động thực phẩm sao khô
Còn ông Trần Đình Luân, Phó cục trưởng Cục Thú y, cho biết, tại Hà Nội đã phát hiện 3/20 mẫu thịt bò khô có chứa sudan, 20 mẫu lấy ở TPHCM không phát hiện sudan nhưng 1/20 mẫu có chứa salmonella.
Theo ông Luân, Việt Nam không cho phép dùng sudan vì đây là một chất gây ung thư. Riêng về mặt hàng măng khô gần đây dư luận hoang mang lo ngại khi các cơ quan chức năng bắt giữ vụ dùng lưu huỳnh để sấy khô măng tại tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, cả 50 mẫu từ 5 tỉnh được thu thập đều đạt chỉ tiêu về kim loại nặng nhưng 27/27 mẫu măng khô phát hiện có lưu huỳnh và sunfite. Còn đối với chỉ tiêu cyanide thì 100% mẫu măng đều có.
VĂN PHÚC
|