Tăng hợp tác tạo nguồn cung, ổn định giá

Theo nhận định của Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ, tăng cường hợp tác với các tỉnh thành là một trong những nhiệm vụ phải thực hiện thường xuyên, liên tục; là cơ sở để TPHCM đảm bảo nguồn hàng với giá cả ổn định, cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Trang trại heo tại tỉnh Bình Thuận của Công ty Vissan - doanh nghiệp nhiều năm tham gia chương trình bình ổn thị trường. Ảnh: CAO THĂNG
Trang trại heo tại tỉnh Bình Thuận của Công ty Vissan - doanh nghiệp nhiều năm tham gia chương trình bình ổn thị trường. Ảnh: CAO THĂNG

Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất

Ngày 12-11-2011, Sở Công thương TPHCM đã ký bản thỏa thuận Chương trình Hợp tác thương mại (HTTM) với Sở Công thương 7 tỉnh miền Đông và 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ. Chương trình HTTM gói gọn trong các nội dung như thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường, nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, kinh nghiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, quy hoạch phát triển hệ thống phân phối, công tác xúc tiến thương mại, cải cách hành chính. Đồng thời, các địa phương xác định tiềm năng, thế mạnh của mình, đưa ra nhiều cơ chế, chính sách thu hút, mời gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, mở rộng trang trại, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa đảm bảo, đạt chất lượng VietGAP, GlobalGAP, ISO, HACCP, phối hợp triển khai nhiều giải pháp liên kết tiêu thụ hàng hóa nông sản cho bà con nông dân. 

Đến nay, sau 10 năm hợp tác, chương trình đạt được nhiều kết quả khả quan. Các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN ở TPHCM, nhất là DN tham gia các chương trình bình ổn thị trường (BOTT) an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi; liên kết hỗ trợ các HTX nuôi trồng. Có 28 DN BOTT đầu tư tổng vốn trên 18.000 tỷ đồng vào 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh thành Đông và Tây Nam bộ. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm nông sản đạt 3.200 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, DN BOTT đều xây dựng các chuỗi liên kết, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài tại các tỉnh thành. Saigon Co.op có hệ thống kho bãi, logistics, siêu thị phủ khắp nước, là đầu mối liên kết, thu mua tại chỗ nông sản, với những mặt hàng có sản lượng lớn cung cấp cho thị trường cả nước. Vissan liên kết với trang trại chăn nuôi ở các địa phương tiêu thụ bình quân 31.000 tấn heo hơi/năm, 1.241 tấn bò hơi/năm. Sagrifood cung cấp bình quân mỗi năm 80.000 con heo hậu bị, heo con giống đến các trang trại chăn nuôi tại 23 tỉnh thành, trong đó 15 tỉnh thành Đông và Tây Nam bộ (chủ yếu là Đồng Nai, Bình Dương) chiếm 80%. Ba Huân có nhà máy chế biến thực phẩm, xử lý trứng tại Long An, Bình Dương, Hà Nội… với hệ thống trang trại chăn nuôi, liên kết phủ khắp các tỉnh thành.

Từ năm 2018, Chính phủ triển khai quyết định 490 phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tạo sức bật cho nông thôn mới thì hàng loạt nhà phân phối tại TPHCM đã vào cuộc, hỗ trợ về vốn, kinh phí cho các tổ hợp tác, HTX nâng cấp sản phẩm theo chuẩn OCOP để đưa vào siêu thị. Với mặt hàng trong Chương trình BOTT, các DN cũng áp dụng chính sách “một giá” trên cả nước. Nhờ hệ thống phân phối toàn quốc, sản phẩm BOTT của TPHCM cũng được phân phối đến khắp các tỉnh thành, góp phần đồng hành, ổn định thị trường tại các địa phương, nhất là vào dịp cao điểm mua sắm tết.

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng

Thành công của Chương trình HTTM không dừng ở việc các DN đẩy mạnh đầu tư về hạ tầng mà còn từ hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa. Sau 9 năm triển khai kết nối cung cầu, có 3.743 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giữa các DN phân phối tại TPHCM và các địa phương được ký kết, trị giá thực hiện bình quân khoảng 5.000 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, 3 chợ đầu mối của TPHCM tiếp tục là đầu mối tiếp nhận bình quân 8.000 tấn/ngày hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương để tiêu thụ tại TP cũng như tỉnh thành khác, góp phần điều hòa, cân đối cung cầu ở phía Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thể hiện rõ quyết tâm của lãnh đạo và DN các tỉnh thành trong việc liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm, chương trình còn bộc lộ những hạn chế nhất định như chưa đi sâu vào thực tế, chưa phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh các tỉnh và TPHCM. Các hệ thống phân phối của TPHCM chưa đầu tư lớn cho hệ thống thu mua, kho hàng tập kết và mạng lưới điều phối hàng hóa nên đôi lúc gây khó khăn cho các DN cung ứng.

Theo Sở Công thương tỉnh Bến Tre, việc liên kết tiêu thụ nông thủy sản giữa DN 2 địa phương từng bước được hoàn thiện nhưng chưa đi vào chiều sâu. Hiện hàng nông, đặc sản của Bến Tre vào hệ thống siêu thị TPHCM chưa nhiều, chậm và một số mặt hàng bị loại do nhiều nguyên nhân; một số sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu cơ bản, nhất là về an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số loại cây, con giống chưa phù hợp nên năng suất và chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Một số mặt hàng trái cây, rau củ tươi chưa được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Nhóm hàng rau củ chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chủng loại, thời gian giao hàng vào các siêu thị nên chưa tạo được chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.

Ở góc độ nhà phân phối, ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc siêu thị Tứ Sơn (An Giang), cho rằng, DN của TPHCM và các tỉnh thành cần xác định hợp tác theo tiêu chí “đôi bên cùng có lợi”. Thực tế, Tứ Sơn đã và đang tiêu thụ lượng hàng hóa rất lớn từ các DN ở TPHCM. Ngược lại, DN của các tỉnh thành khi sản xuất ra hàng hóa cũng mong bán được nhiều sản phẩm thông qua hệ thống phân phối của TPHCM. Để thành công hơn nữa trong quá trình hợp tác, rất cần sự chia sẻ giữa nhà cung cấp và nhà phân phối trong việc thanh toán, hỗ trợ nhà sản xuất có điều kiện quay vòng nhanh đồng vốn. 

Trong định hướng sản xuất, các tỉnh thành cần ưu tiên sản xuất nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Organic, hướng đến xây dựng thương hiệu đặc sản ở từng địa phương, vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của khách hàng.

Để Chương trình HTTM phát huy hiệu quả giai đoạn 2021-2025, nhiều ý kiến cho rằng, chương trình không nên dừng lại ở từng tỉnh mà cần xác định và nhắm đến lợi thế vùng. TPHCM cần tạo điều kiện để các nhà sản xuất, phân phối đầu tư, mở rộng sản xuất và bao tiêu sản phẩm tại các tỉnh thành. Từ đó, giúp nhà sản xuất tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nuôi trồng tạo ra các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa có chất lượng cao và số lượng lớn. 

Tin cùng chuyên mục