Tăng kết nối, quảng bá hàng Việt

° 2.341 doanh nghiệp của 42 tỉnh, thành tham gia

 Sở Công thương TPHCM vừa báo cáo UBND TPHCM về tiến độ tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành năm 2019, dự kiến diễn ra trong 4 ngày (từ 26 đến 29-9-2019) tại Trung tâm Triển lãm và hội chợ Tân Bình, TPHCM. 

Tính đến ngày 13-9 đã có 2.341 doanh nghiệp (DN) của 42 tỉnh, thành phố trong cả nước đăng ký tham gia hội nghị, bao gồm 1.458 DN cung ứng và 883 DN thu mua (42 hệ thống phân phối, 100 DN đầu mối xuất khẩu, 140 nhà hàng đạt chuẩn du lịch, 120 khách sạn chuẩn 3 sao trở lên, 167 DN suất ăn công nghiệp, 314 bếp ăn tập thể có năng lực cung ứng trên 500 suất ăn/ngày). Trong số 2.341 DN tham gia, có 551 DN đăng ký trưng bày, giới thiệu hàng hóa tại 449 gian hàng.

Cụ thể, các DN ở khu vực Đông - Tây Nam bộ sẽ giới thiệu các mặt hàng rau ôn đới, nông sản, hoa khô, mặt nạ phúc bồn tử (dưỡng da); thủy sản đông lạnh, nhãn xuồng cơm vàng, yến, cà phê, nước mắm, rau các loại theo công nghệ nhà màng, mật ong, sữa ong chúa; rượu vang, thanh long, nước mắm các loại, cua, thủy hải sản, mắm cá lóc, dưa hấu, dưa bồn bồn, chuối, gỗ ghép thanh, than sạch, gạo, khô cá lóc, mứt chuối, trái cây sấy, mãng cầu, xoài bột các loại, bột gạo lứt, gà trà lá sen, hoa thiên lý tươi, muối ớt, trứng, thịt gà, dưa lưới, nấm linh chi, hạt điều, yến sào, rượu sâm nhung, kẹo hạt điều, thịt gà, thịt heo, trứng, phân bón, rượu Bến Gỗ, trứng gà sạch, trái cây, các sản phẩm sấy khô, bưởi...

Tăng kết nối, quảng bá hàng Việt ảnh 1 Khách tham quan tìm hiểu sản phẩm giới thiệu tại Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2018. Ảnh: CAO THĂNG

Doanh nghiệp miền Trung và Tây Nguyên giới thiệu các mặt hàng đặc sản như  hồ tiêu, bột gia vị, trà, hạt điều rang củi, cà phê, chuối sấy, hạt é trái cây, bò một nắng, khoai dẻo, thịt thỏ chế biến các loại, rau củ các loại, nấm các loại, tinh dầu lạc, mật ong, ruốc, đồ khô, sản phẩm mây tre nứa, bưởi cốm, thanh trà, hạt sen, trà sen. 

Các DN miền Bắc trưng bày các mặt hàng như quế vỏ, tinh dầu quế, thủ công mỹ nghệ từ gỗ quế, trà quế, chè xanh, chè đen, trà cổ giảo lam, gỗ ván ép, gỗ ván ghép, đũa gỗ, gỗ  thanh pallet, sắn lát, tinh bột sắn, sứ cách điện, sản phẩm từ đá (tranh đá quý, bột đá, đá cục), tinh bột nghệ, miến dong…

Doanh nghiệp của TPHCM giới thiệu các mặt hàng nằm trong 4 chương trình bình ổn thị trường của TP gồm lương thực, thực phẩm, dược phẩm, hàng hóa phục vụ mùa khai giảng và nhóm các mặt hàng sữa. Đồng thời DN TPHCM còn tham gia giới thiệu nhóm các sản phẩm chủ lực của TPHCM để người dân cũng như các đối tác tham dự hội nghị có nhiều cơ hội lựa chọn.

Theo Sở Công thương TPHCM, năm 2019 là năm thứ 8, TPHCM tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành. Mục đích của chương trình là tạo không gian cho các DN và nhà phân phối tìm kiếm cơ hội hợp tác; tạo điều kiện để nông dân, các tổ hợp tác, HTX nông lâm ngư nghiệp tiếp cận, kết nối với các nhà phân phối sản phẩm trong và ngoài nước.

Qua đó, thúc đẩy có hiệu quả và chất lượng hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp các địa phương, hỗ trợ hình thành kênh phân phối sản phẩm nông sản đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP… Đây cũng là dịp để TPHCM tiếp tục tìm kiếm nguồn hàng với giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, kết nối đưa vào bếp ăn tập thể tại các KCN-KCX, xí nghiệp có nhiều công nhân lao động.

Chương trình đồng thời kết nối giữa DN TPHCM và DN các địa phương tăng cường liên doanh, liên kết trong đầu tư sản xuất, tạo tiền đề xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa, thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường tại TP. Mặt khác, hội nghị cũng sẽ tạo điều kiện cho các kênh phân phối tìm kiếm thêm nhiều mặt hàng đặc sản vùng miền, tạo sự đa dạng trong hàng hóa để chuẩn bị cho cao điểm mua sắm vào dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán 2020.

Bên cạnh việc tổ chức gian hàng trưng bày hàng hóa, hội nghị còn tổ chức các hội thảo với chủ đề: “Tiềm năng kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền, thực phẩm an toàn tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ khách du lịch”; hội nghị phối hợp triển khai chương trình bình ổn thị trường giữa TPHCM với các tỉnh, thành Tây Nam bộ; hội nghị nhà cung ứng do các hệ thống phân phối lớn chủ trì.

Ban tổ chức cũng mong muốn, ngay trong hội nghị lần này, các nhà phân phối và sản xuất sẽ thực hiện được nhiều hợp đồng ghi nhớ so với những lần tổ chức trước đây, nhằm tiếp tục hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản, thực phẩm, thực phẩm chế biến, bánh mứt, kẹo, đồ uống, sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, sản phẩm phục vụ tết vào hệ thống phân phối tại TPHCM. Đây cũng chính là nỗ lực của TPHCM và các tỉnh, thành thực hiện ngày càng hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tin cùng chuyên mục