Sáng 24-5, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), sau đó tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).
Mở rộng đối tượng được mua nhà ở Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 10 nhóm nội dung chủ yếu. Trong đó có việc bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung, phương thức thực hiện, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với phát triển nhà ở xã hội cũng được đổi mới. Đáng lưu ý, dự thảo đã mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài để thu hút nhân tài, nguồn lực, kinh nghiệm cho đầu tư, phát triển đất nước, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, hầu hết các ý kiến tham gia góp ý xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhất trí với nội dung của dự thảo luật do Chính phủ trình. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau. Liên quan đến quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, có ý kiến thống nhất với đề xuất của Chính phủ nêu tại Điều 157 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo đó, các cá nhân nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam đều có quyền sở hữu nhà ở để khuyến khích thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và bảo đảm phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Loại ý kiến thứ hai quy định điều kiện chặt chẽ hơn theo hướng chỉ cho phép các cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên mới được sở hữu nhà ở để hạn chế các trường hợp lợi dụng chính sách, gây lũng đoạn thị trường bất động sản và để bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại các tổ Đại biểu Quốc hội vào ngày 27-5 tới.
Tránh điều chỉnh tùy tiện quy hoạch xây dựng
Đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp trước, lần này dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) tiếp tục nhận được một số ý kiến băn khoăn về phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, đa số ý kiến ĐBQH tại phiên họp sáng 24-5 đồng tình với phương án là điều chỉnh toàn bộ hoạt động đầu tư xây dựng chứ không bó hẹp trong phạm vi “hoạt động xây dựng” như một hoạt động chuyên môn, kỹ thuật. Nhiều ĐB bày tỏ quan tâm đến nội dung về quy hoạch xây dựng trong dự án luật.
ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) lưu ý: “Dự luật cần có quy định khi cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch xây dựng thì phải trình HĐND các cấp thông qua chứ không phải chỉ là báo cáo”. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) nhận xét, căn cứ để điều chỉnh quy hoạch cần phải làm rõ mức độ thay đổi về địa lý, tự nhiên, dân số, kinh tế, xã hội… để tránh điều chỉnh tùy tiện. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định trách nhiệm người phê duyệt quy hoạch. ĐB Nguyễn Minh Quang cũng kiến nghị dự luật tiếp tục bỏ giấy phép xây dựng ở các trường hợp như công trình trong khu đô thị, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… đã có tỷ lệ phê duyệt quy hoạch 1/500.
Một nội dung quan trọng khác được ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nhắc tới là công tác tiền kiểm của các cơ quan chuyên môn của nhà nước, từ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, dự toán, đến nghiệm thu xây dựng của các công trình xây dựng sử dụng vốn của nhà nước.
Nếu không quy định và làm tốt vấn đề này có thể có những công trình xây dựng sau khi hoàn thiện rồi mới bộc lộ những bất cập, khiếm khuyết, hạn chế rất khó sửa, mà nếu sửa thì rất tốn kém. Vì vậy, quy định trách nhiệm kiểm soát của các cơ quan chuyên môn của nhà nước ngay từ đầu và trong suốt quá trình thi công xây dựng sẽ tránh được việc đầu tư lãng phí, thất thoát không hiệu quả, đồng thời góp phần đảm bảo tiến độ chất lượng và giá thành của công trình xây dựng.
“Tôi đề nghị phải bổ sung một khoản quy định trách nhiệm của cơ quan và của cá nhân cán bộ công chức nhà nước thực hiện nhiệm vụ tiền kiểm và chế tài xử lý nếu không hoàn thành nhiệm vụ này” - ĐB Đỗ Mạnh Hùng nói.
Tuy nhiên, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) băn khoăn: Nếu dồn hết về cơ quan quản lý nhà nước thẩm định thì sẽ khiến bộ máy phình to, ngược với chủ trương về cải cách hành chính. Và nhà nước vẫn phải tiếp tục làm thay cho tổ chức xã hội nghề nghiệp. Với thực tế này, theo ĐB Trịnh Ngọc Phương: “Chắc chắn chất lượng thẩm định sẽ có vấn đề, tình trạng làm khó, kéo dài thời gian thụ lý sẽ xảy ra”.
Theo đó, ĐB Trịnh Ngọc Phương kiến nghị chỉ những dự án sử dụng vốn có tính chất ngân sách nhà nước mới làm, còn các dự án vốn khác chỉ quản lý bằng quy hoạch giấy phép xây dựng và thực hiện công tác thanh tra xử lý vi phạm thật chặt chẽ. Nguyên tắc là vốn xã hội để cho xã hội, nhà nước chỉ quản lý bằng cơ chế, không nên thêm nhiều thủ tục.
Chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công
Thảo luận tại hội trường chiều 24-5 về dự án Luật Đầu tư công, đa số các ĐBQH cho rằng cần phải ban hành sớm dự luật này để ngăn ngừa sự thiếu hiệu quả, lãng phí trong hoạt động đầu tư có nguồn vốn từ ngân sách hiện nay. Trong đó, điểm cần lưu ý là cần phải tăng cường sự giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đã cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và qua nhiều lần thảo luận góp ý nên khi dự án Luật Đầu tư công được đưa ra thảo luận hôm qua đã cơ bản nhận được sự đồng tình của các ĐB về các nội dung trong dự thảo. Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng cần nhấn mạnh hơn nữa yêu cầu về tính hiệu quả đối với các dự án đầu tư công. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, cần làm rõ khái niệm về hiệu quả có căn cứ đánh giá dự án. Còn ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị dự án luật cần bổ sung nguyên tắc đảm bảo hiệu quả đầu tư là số một, từ khâu xem xét chủ trương đầu tư và nguyên tắc này phải được quán triệt trong tất cả các khâu thực hiện.
Các ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, để chấn chỉnh việc ra chủ trương, quyết định đầu tư thiếu hiệu quả cần phân định rõ mức độ trách nhiệm các chủ thể liên quan đến dự án để đảm bảo tính khả thi trong xử lý, bởi thực tế có những dự án sử dụng ngân sách nhưng “treo” hàng chục năm, không rõ ai chịu trách nhiệm. Thậm chí, ĐB Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) còn thẳng thắn: Dự luật cần đưa rõ nguyên tắc là đầu tư công không thể thất thoát, lãng phí thay vì chỉ ghi là “tránh thất thoát” trong dự thảo. Điều đó thể hiện sự quyết liệt trong chấn chỉnh hoạt động này.
Một điểm được các ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội)… đánh giá cao trong dự thảo là quy định về giám sát cộng đồng với việc MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức thực hiện việc giám sát. Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà, giám sát cộng đồng được hiểu là giám sát của toàn dân, các cơ quan truyền thông, các tổ chức hiệp hội, đoàn thể… và bổ sung chế tài đối với việc tiếp thu, giám sát với các dự án, nhất là những dự án ảnh hưởng đến đời sống người dân. Điều này tránh hình thức hóa, tạo sự đồng thuận cao khi triển khai dự án.
ANH THƯ - HÀ MY
| |