Tăng lương cơ sở: Cần giải pháp căn cơ

Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra đã bộc lộ rõ nét những khó khăn mà đội ngũ cán bộ, công chức phải vượt qua. Những phần việc họ phải đảm nhận và rõ ràng tiền lương vốn dĩ chưa tương xứng thì nay lại càng “không thấm vào đâu” với công sức họ bỏ ra.

Là viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tôi và các đồng nghiệp rất phấn khởi và có được sự khích lệ khá lớn trước thông tin Chính phủ trình Quốc hội tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Tôi cho rằng, việc tăng lương cơ sở cần phải được làm ngay từ đầu năm 2023, bởi lần tăng lương diễn ra gần đây nhất cũng đã hơn 2 năm (từ 1-7-2019). 

Nhìn vào khối lượng công việc của đội ngũ CBCCVC, nhất là tại TPHCM sẽ thấy áp lực mà họ phải đối mặt hàng ngày rất lớn. Đặc biệt, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra đã bộc lộ rõ nét những khó khăn mà đội ngũ này phải vượt qua, những phần việc họ phải đảm nhận và rõ ràng tiền lương vốn dĩ chưa tương xứng thì nay lại càng “không thấm vào đâu” với công sức họ bỏ ra. 

 Đó là chưa tính đến giá cả thị trường tăng cao do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Việc sớm tăng lương cũng góp phần giảm khó khăn cho đội ngũ CBCCVC, là giải pháp trước mắt để giữ người tài trong bối cảnh CBCCVC đang rời bỏ khu vực công sang khu vực tư như trong thời gian qua.

Tăng lương cơ sở: Cần giải pháp căn cơ ảnh 1 Cần có giải pháp tăng lương căn cơ để cán bộ, công chức sống được bằng lương

Dù vậy, khách quan nhìn nhận, việc tăng lương cơ sở chỉ là giải pháp có tính chất tạm thời để làm giảm “làn sóng” nghỉ việc. Qua đó, đòi hỏi phải có giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài. Đó là phải nhanh chóng thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách tiền lương.

Nghị quyết 27 thể hiện quan điểm cốt lõi: bảo đảm trả lương đúng và đủ. Nghĩa là trả lương đúng năng lực làm việc được thể hiện qua kết quả công việc và tiền lương đủ để bảo đảm cuộc sống của CBCCVC và gia đình họ. Việc chậm cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27 có thể dẫn đến một số hệ lụy.

Cụ thể, “làn sóng” thôi việc của CBCCVC đang và sẽ tiếp tục diễn ra bởi tăng lương cơ sở chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ đời sống của họ. Việc trả lương ở khu vực công lại có tính chất “cào bằng”, chưa đảm bảo công bằng cho người lao động.

Trong khi đó, so sánh khách quan thì tiền lương ở khu vực công quá ít ỏi so với khu vực tư; áp lực công việc trong khu vực công rất cao, môi trường làm việc của CBCCVC chưa thật sự hấp dẫn, có quá nhiều các quy định, quy chế ràng buộc hành chính; việc đánh giá kết quả làm việc của CBCCVC chưa thật sự khoa học, minh bạch, đôi khi còn mang tính “dĩ hòa vi quý”.

Nếu ở lại, nhiều CBCCVC lựa chọn không rời khu vực công nhưng sẽ cải thiện thu nhập bằng việc làm thêm, tình trạng "chân trong, chân ngoài", thậm chí "chân ngoài dài hơn chân trong" sẽ dẫn đến chất lượng phục vụ của nhà nước bị giảm sút, tham nhũng, tiêu cực sẽ có cơ hội nảy nở khi quyền lực công bị lạm dụng để tạo thu nhập bất hợp pháp.

"Chảy máu” nhân lực hay bộ máy nhà nước sẽ mất người tài cũng được đề cập nhiều, bởi CBCCVC cũng đã suy nghĩ kỹ lưỡng và tự tin vào năng lực bản thân trước khi quyết định chọn dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư. Đây cũng là thực tế đáng báo động hiện nay, khi đã có hàng nghìn CBCCVC nghỉ việc, chuyển việc, thậm chí trong số này có cả những cán bộ cấp vụ trưởng, vụ phó và trưởng phòng.

Do đó, việc sớm thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27 là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, góp phần giữ chân người tài, nâng cao chất lượng phục vụ của nhà nước.

Tin cùng chuyên mục