Tăng lương để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động

Tăng lương để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động

Thời điểm cuối năm, trong khi hàng chục ngàn doanh nghiệp đang tất bật lo quyết toán, triển khai chính sách lương thưởng cuối năm theo quy định cho công nhân, giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn nợ đọng… thì hiện nay họ còn phải “đau đầu” với chuyện điều chỉnh mức lương tối thiểu cho người lao động theo nghị định mới, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải “móc” thêm từ ngân quỹ hàng tỷ đồng để trả lương. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Tiền lương (Bộ LĐTB-XH) về vấn đề này để làm rõ hơn. Bà Tống Thị Minh chia sẻ:

Vụ Chính sách và Tiền lương (Bộ LĐTB-XH) - Tống Thị Minh

Vụ Chính sách và Tiền lương (Bộ LĐTB-XH) - Tống Thị Minh

Theo Nghị định 182/2013/NĐ-CP vừa được Chính phủ thông qua, bắt đầu từ ngày 1-1-2014, khối doanh nghiệp phải điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động. Theo quy định, mức lương tối thiểu cao nhất là vùng I là 2,7 triệu đồng/tháng (cao hơn mức lương tối thiểu vùng I năm 2013 là 350.000 đồng) và thấp nhất là vùng IV với 1,9 triệu đồng/tháng (cao hơn mức lương tối thiểu vùng IV năm 2013 là 250.000 đồng).

Hiện tại, ở các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… đã có các doanh nghiệp báo cáo về tình hình chủ động tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động theo quy định. Tuy nhiên, tốc độ triển khai ở các địa phương vẫn còn khá chậm. Theo quy định thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách tiền lương của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào cố tình chậm lương, nợ lương của người lao động sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

- Việc liên tục tăng lương tối thiểu như hiện nay, nhất là diễn ra vào thời điểm cuối năm, cận tết sẽ làm rất nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp, liệu có thể xảy ra tình trạng nợ lương, quỵt lương không, thưa bà?

>> Hiện tại, Bộ LĐTB-XH vẫn chưa nhận được thông tin nào từ doanh nghiệp kêu ca về việc tăng lương tối thiểu gây khó khăn. Song cũng cần nói rằng, tăng lương tối thiểu là bắt buộc và theo lộ trình, đã được quy định rõ trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012. Và mức tăng như vừa thông qua cũng chỉ bằng khoảng 50% so với mức đề nghị tăng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trên thực tế thì đúng là việc tăng lương tối thiểu sẽ gây những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vì việc tăng lương sẽ ảnh hưởng tới nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, dịch vụ… và cả các khoản tăng thêm bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp phải đóng cho người lao động.

- Vì sao chúng ta lại liên tục tăng lương tối thiểu như hiện nay?

Như đã đề cập, tăng lương tối thiểu là lộ trình đã được cân nhắc và thông qua. Song việc tăng đều phải đảm bảo cân bằng giữa 2 yếu tố, một mặt nâng mức lương dần lên mặt bằng chung, đảm bảo đời sống và thu nhập tối thiểu của người lao động. Mục tiêu là để hướng tới mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng đã cân nhắc để đảm bảo “sức khỏe” cho doanh nghiệp, cân đối quyền lợi giữa lao động và doanh nghiệp.

- Thực tế thì hiện nay mức lương tối thiểu đã đáp ứng được mức sống tối thiểu cho người lao động chưa?

Cũng có nhiều người cho rằng, thực tế thì hiện nhiều doanh nghiệp đã trả lương cho lao động cao hơn mức lương tối thiểu, nhưng khi có quy định tăng lương thì cả doanh nghiệp và người lao động đều phải đóng thêm các khoản phí, trong khi tổng thu nhập không tăng. Và thực sự thì ở nhiều nơi, lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của trượt giá, tiền lương thực tế chưa cao… Cũng có ý kiến cho rằng, việc tăng lương tối thiểu sẽ có thể ảnh hưởng tới thu nhập thực tế của lao động, như trường hợp các doanh nghiệp tìm cách hạ hệ số, đơn giá sản phẩm cắt giảm các khoản phụ cấp… nên thực chất chỉ tăng số tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… còn thu nhập thì vẫn không tăng so với mức cũ.

Vậy làm thế nào để khắc phục những mặt trái này, theo tôi cái chính là tăng lương theo lộ trình phải gắn với việc đẩy mạnh hiệu quả sản xuất, chất lượng của người lao động. Còn doanh nghiệp thì cũng phải tìm giải pháp giảm chi phí, hạ giá thành và tăng giá trị cho sản phẩm… Nhưng giải pháp căn cơ nhất để đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động nói chung vẫn là có giải pháp hữu hiệu để giảm lạm phát, chấm dứt tình trạng chưa tăng lương đã tăng giá.

- Theo bà, liệu việc cập rập quy định tăng lương tối thiểu vào thời điểm hiện nay có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp sẽ cắt xén tiền thưởng tết, tăng ca tăng kíp làm thêm, nợ hoặc chậm lương của người lao động, thậm chí là giảm chế độ phúc lợi, hạ đơn giá (tiền công) theo sản phẩm?

Để kiểm soát tình trạng này, mới đây nhất Bộ LĐTB-XH đã ra Thông tư số 33/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình... đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp khi trả mức lương tối thiểu mới cho người lao động không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương do người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, tiền lương hoặc phụ cấp làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật… Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Còn về mức tiền thưởng tết thì cho đến nay vẫn không có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng tết cho người lao động cả, mà như mọi năm, các doanh nghiệp sẽ tùy từng điều kiện, khả năng sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của mình để chia sẻ quyền lợi cho người lao động nhằm động viên, thu hút và giữ chân họ.

PHÚC VĂN

Tin cùng chuyên mục