Tăng lượng hàng nông sản vào Trung Quốc: Cần chiến lược bài bản

Thị trường Trung Quốc ngày càng “khó tính” hơn là nhận định của hầu hết các doanh nghiệp, cơ quan chức năng. Để tránh tình trạng hàng hóa bị ách tắc, trả về, doanh nghiệp (DN) cần tư duy, thay đổi một cách toàn diện về hoạt động mua bán hàng hóa tại thị trường này.
Chế biến mít xuất khẩu tại một đơn vị. Ảnh: THÀNH TRÍ
Chế biến mít xuất khẩu tại một đơn vị. Ảnh: THÀNH TRÍ

Dung lượng thị trường lớn 

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Trung Quốc có dung lượng thị trường rất lớn với quy mô dân số lên tới 1,4 tỷ dân, có đường biên giới sát với Việt Nam tạo thuận lợi xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng, có thị hiếu tiêu dùng tương đối giống nhau. Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt trên 100 tỷ USD, trong đó xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt hơn 11 tỷ USD. Nhu cầu xuất nhập khẩu về nông sản giữa hai nước ngày càng tăng, nhưng gần đây Trung Quốc đã có thay đổi một số quy định trong nhập khẩu hàng hóa. Cụ thể, từ tháng 6-2019, các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc phải theo con đường chính ngạch, đảm bảo chất lượng, bao bì nhãn mác và truy xuất nguồn gốc. Điều này cũng đồng nghĩa, việc xuất khẩu tiểu ngạch qua đường mậu biên sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

Chẳng hạn, ở nhóm mặt hàng rau quả muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm; đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc, phải đăng ký mã số vùng, địa danh của nông sản với Hải quan Trung Quốc. Các đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc kèm theo nhãn mác; sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bao gói, điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng gây hại.

Do quy định ngày càng chặt chẽ nên xuất khẩu mặt hàng này trong những tháng đầu năm có dấu hiệu giảm sút so với cùng kỳ. Việc giảm sút này là do những mặt hàng trước đây được xuất theo tiểu ngạch thì theo quy định mới về quản lý chất lượng hàng hóa từ phía Trung Quốc giờ không được xuất khẩu. Còn đối với những mặt hàng được xuất theo chính ngạch thì nhiều DN vẫn còn đang rất lúng túng về những thủ tục giấy tờ theo quy định mới của Trung Quốc.

Và chiến lược bán hàng thực phẩm xanh

Tại tọa đàm “Kinh nghiệm xuất khẩu, xu hướng thị trường châu Á và thế giới” do Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 20-6 vừa qua, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, cho rằng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ có quy mô và sức mua lớn nhờ kinh tế phát triển nhanh, thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao. Năm 2018, thu nhập bình quân của Trung Quốc đã đạt gần 10.000 USD/người/năm, tại các TP lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân, mức thu nhập bình quân lên tới 20.000 USD/người/năm. Do kinh tế phát triển, thu nhập cao nên người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng có ý thức trong việc lựa chọn những mặt hàng nông sản trong tiêu dùng. 

Bằng kinh nghiệm của một DN xuất khẩu thành công hàng nông sản sang Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ, nhận thức về tiêu dùng xanh sẽ mang lại cơ hội kinh doanh tại thị trường Trung Quốc. Hiện các vấn đề an toàn thực phẩm luôn được đề cập, thực phẩm không an toàn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của người tiêu dùng. Do đó, thực phẩm Trung Quốc được người tiêu dùng trông chờ nhất là những thực phẩm hữu cơ xanh. Trong chiến lược marketing, các thương hiệu cần tập trung vào thực phẩm sạch, hướng đến thực phẩm an toàn sẽ dễ dàng được người tiêu dùng tiếp nhận. 

Cùng với việc sản xuất sạch, các DN cần sử dụng công nghệ đóng gói sạch xanh, bởi lẽ tiếp thị thương hiệu xanh cũng liên quan đến việc đóng gói thực phẩm. Cần định vị chính xác, phù hợp với tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc, kết hợp với các yếu tố văn hóa Trung Hoa. Trên bao bì cần chú trọng đến thẩm mỹ, dễ sử dụng. Đồng thời cần đưa khái niệm bảo vệ môi trường vào bao bì, thu hồi lại hoặc xử lý các loại bao bì giấy hoặc nhựa...

Về chiến lược thâm nhập, cách bán hàng vào thị trường Trung Quốc, theo ông Nguyễn Lâm Viên, thông thường có 3 kênh, đó là bán cho DN trong nước, bán cho thương nhân biên giới và bán trực tiếp cho nhà phân phối. Trong đó, các DN nên ưu tiên và nỗ lực hàng đầu vẫn là bán cho siêu thị, đây là con đường rộng hơn và văn minh hơn. Chúng ta lấy một kênh cố định rồi sau đó bán rộng sang các kênh khác sẽ hiệu quả hơn. 

Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, một số DN đã lựa chọn hình thức kinh doanh đặc biệt như chuyển giao kiến thức và công nghệ sản xuất cho DN Trung Quốc để sản phẩm được sản xuất tại đây, đồng thời chấp nhận cho DN tại một phạm vi địa lý nhất định và trong thời hạn nhất định được quyền sử dụng sở hữu trí tuệ của sản phẩm đó theo một mức phí chuyển nhượng được thỏa thuận từ hai bên. “Cách làm này có thể dễ dàng trong giai đoạn đầu nhưng nhiều khả năng DN sẽ đánh mất thương hiệu của chính mình. Do vậy, điều quan trọng nhất để bán hàng thành công vào thị trường tiềm năng này chính là xây dựng một chiến lược sản xuất và marketing phù hợp với nhu cầu thị trường, đồng thời có biện pháp bảo vệ thương hiệu của chính mình”, ông Nguyễn Lâm Viên nói. 

Theo ông Đào Việt Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, thời gian tới Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu tiềm năng của nhiều mặt hàng Việt Nam. Điều này dựa trên cơ sở nhu cầu, sức mua của người dân Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm đang tăng cao, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích nhập khẩu hàng hóa theo đường chính ngạch để đáp ứng nhu cầu của người dân. Thêm vào đó, Việt Nam - Trung Quốc có vị trí địa lý tiếp giáp nhau, thuận lợi trong trao đổi, vận chuyển hàng hóa với chi phí vận tải khá rẻ.

Để giải quyết những vướng mắc khó khăn cho DN trước những quy định mới nhập khẩu mặt hàng nông sản vào Trung Quốc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nam cho biết, ngay từ đầu năm 2019, Bộ NN-PTNT đã làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất giải quyết những vướng mắc cho DN, đồng thời thống nhất tổ chức lớp tập huấn để các DN hiểu rõ hơn về các thủ tục và các quy định mới khi xuất khẩu hàng hóa nông sản vào Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục