Đặc biệt, với các ứng dụng công nghệ mới, phát triển nhanh và mạnh đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho DN, nhưng để thích ứng và khai thác tốt tiềm năng, DN phải chủ động xây dựng chiến lược chinh phục thị trường phù hợp.
Xác định đúng thị trường
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cho rằng có 3 động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đó là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ khu vực Đông Á sang Đông Nam Á; các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA; kỹ thuật số và thương mại điện tử.
Theo phân tích của ông Nguyễn Huy Hoàng, sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, do bị đánh thuế cao, đã mang lại tiềm năng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều dư địa chưa khai thác hết từ các FTA đang có, trong khi người tiêu dùng thế giới ngày càng kết nối nhiều hơn, đặc biệt thông qua thiết bị di động để mua sắm xuyên quốc gia một cách dễ dàng.
Châu Á chiếm 60% dân số thế giới, nên khi xuất khẩu DN chú ý ở các nước phát triển, cần tập trung vào nhóm người cao niên; trong khi ở các nước đang phát triển, nhóm người trẻ tuổi lại là nhóm đối tượng tiêu dùng chủ yếu.
Nghiên cứu của Công ty Kantar Worldpanel cho thấy, có 5 xu hướng tiêu dùng chính ở châu Á là an toàn và tốt cho sức khỏe; sự vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc; sự tiện lợi, dễ sử dụng, dễ tiếp cận; kỹ thuật số và thương mại điện tử; mua sắm đa kênh. Với cuộc sống bận rộn hơn, người tiêu dùng châu Á quan trọng sự tiện lợi hơn.
Đây là cơ hội cho các sản phẩm, dịch vụ giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn như dịch vụ vệ sinh nhà cửa, sản phẩm đa chức năng, sản phẩm có hiệu quả nhanh, bữa ăn nhanh tại nhà, sản phẩm tích hợp. Các kênh mua sắm tiện lợi dễ tiếp cận nhanh chóng liên tục tăng trưởng cao hơn so với tổng thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở châu Á.
Ở thị trường Mỹ và châu Âu, phần lớn người tiêu dùng rơi vào nhóm lớn tuổi, có ý thức cao về sức khỏe, chế độ dinh dưỡng thay đổi ít đường và nhiều đạm… là thị trường lớn cho sản phẩm hữu cơ (organic); trong đó Mỹ chiếm gần 50% thị phần. Người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu có khuynh hướng chọn các sản phẩm giá thấp, tuy nhiên, họ cũng sẵn sàng chi cho các mặt hàng cao cấp nếu giá trị mang lại tương xứng.
Cùng quan điểm này, ông Trần Tấn Thiện, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Hello5, đánh giá thị trường thế giới rất lớn nhưng rất ít DN đủ sức để chi phối thị trường. Vì vậy, muốn đạt được hiệu quả trong xuất khẩu, DN phải lựa chọn thị trường mục tiêu phù hợp với thế mạnh sản phẩm của mình.
DN cần tận dụng triệt để các kênh bán hàng nhằm phủ sóng đến mọi đối tượng tiềm năng, đặc biệt là nắm bắt xu hướng thương mại điện tử đang bùng nổ ở nhiều nước châu Á. Quan trọng nhất là không có thị trường hay xu hướng nào tồn tại mãi mãi; do vậy, DN phải liên tục sáng tạo, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, có giá trị cao hơn mới có thể cạnh tranh tốt hơn.
Tận dụng công nghệ số
Chia sẻ về tiềm năng phát triển kinh tế số ở Việt Nam, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), nhận định Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế số khá mạnh trong khu vực ASEAN, xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, tỷ lệ người sử dụng internet cao, thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển nhanh. Việt Nam vào tốp 3 thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất thế giới, sau Thái Lan và Malaysia, tạo điều kiện rất tốt cho sự phát triển của nền kinh tế số.
Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cũng cho rằng xu hướng giao dịch qua mạng đang là phương thức giao dịch phổ biến trong bối cảnh kinh tế số.
Cụ thể việc trao đổi giấy tờ được chuyển từ bản giấy sang email; thanh toán thông qua công cụ điện tử; giao dịch từ xa thông qua hợp đồng điện tử… Nếu xét về quy mô DN, nhóm DN vừa và nhỏ (SME) có tỷ lệ trên 50% lao động sử dụng email, cao hơn nhóm DN lớn. Mục đích chính sử dụng email trong DN vẫn là dùng để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp (74%). Thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) năm 2018, đã có 28% số DN tại Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử.
Ông Châu Việt Bắc cũng chỉ ra những yếu tố thuận lợi và bất lợi giữa giao dịch truyền thống và giao dịch thông qua công cụ điện tử của DN. Đó là: Giao dịch truyền thống minh bạch “giấy trắng mực đen” rõ ràng, tuân thủ theo yêu cầu của pháp luật về hình thức giao dịch giữa các bên; nhưng vấn đề thu thập chứng cứ chứng minh việc mất giấy tờ, dễ dẫn đến tình trạng không thể chứng minh để đòi quyền lợi, chưa kể tác động của các yếu tố môi trường đến giấy tờ.
Còn giao dịch thông qua công cụ điện tử, đảm bảo các thông tin được lưu trữ tự động; tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển chứng từ, văn bản giữa các bên; tuy nhiên, bất lợi là không kiểm soát được về tính chính xác của các công cụ trao đổi: email, fax…, không kiểm soát được về thẩm quyền của người làm việc qua các công cụ trao đổi.
Do vậy, khi thanh toán trực tuyến, DN cần thiết lập các khung rủi ro khi xuất khẩu để có phương án dự phòng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tránh bị động khi hàng hóa gặp trục trặc khi thanh toán.
Theo khuyến cáo của ông Bắc, trong bối cảnh toàn cầu hóa, DN muốn khẳng định vị trí, cần ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra sự khác biệt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm thì mới có thể tăng sản lượng hàng xuất khẩu. Với những đơn hàng có giá trị lớn, DN cần sử dụng hợp đồng bằng “giấy trắng, mực đen” để đảm bảo tính pháp lý tốt nhất, ngăn ngừa những rủi ro trong quá trình thực hiện.