Tăng nguồn cung thịt heo

Vào mỗi dịp tết Nguyên đán, người dân sử dụng lượng thịt heo tăng đáng kể. Ngoài ra, thịt heo còn được dùng chế biến nhiều loại sản phẩm khác như giò chả, xúc xích, lạp xưởng… Để mặt hàng thịt heo không thiếu vào dịp cuối năm, Sở Công thương TPHCM đã yêu cầu các đơn vị chăn nuôi, chế biến tham gia Chương trình Bình ổn thị trường (BOTT) tăng lượng hàng sản xuất nhằm đảm bảo thị trường ổn định.

 

Đàn heo của Sagrifood được nuôi bằng thức ăn có pha thảo mộc thiên nhiên
Đàn heo của Sagrifood được nuôi bằng thức ăn có pha thảo mộc thiên nhiên

Không chờ kế hoạch của Sở Công thương, các đơn vị chăn nuôi heo đã lên kế hoạch trước tết khoảng 6 tháng. Bởi heo giống phải nuôi từ 3 - 6 tháng mới có thể xuất chuồng. Trong số này, Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) đã tăng công suất sản xuất 10% - 30% so với ngày thường. Đối với nguồn hàng phục vụ BOTT, Sagrifood chuẩn bị trước từ khâu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tăng tổng đàn heo từ các trại chăn nuôi nhằm đảm bảo đủ sản lượng cung cấp thị trường tết. Trong trường hợp “sốt” hàng, tăng giá, Sagrifood sẽ tăng sản lượng giết mổ và phương tiện vận chuyển kịp thời đến nơi khan hàng. Dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Sagrifood dự kiến tiêu thụ trên 50 tấn thịt heo tươi thảo mộc Sagri. Việc đưa thảo dược thiên nhiên (như hương thảo, đinh lăng, oải hương, húng quế...) vào thức ăn chăn nuôi, giúp khách hàng sử dụng sản phẩm có khả năng giải trừ độc tố, kháng khuẩn và tăng cường miễn dịch…
Tương tự, Công ty Vissan ngay từ giữa năm 2018 cũng đã chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu để sản xuất hàng tết. Theo kế hoạch, Vissan dự kiến sản lượng tăng 15% - 20% so với cùng kỳ; trong đó, thực phẩm tươi sống là 3.200 tấn và thực phẩm chế biến đạt 2.800 tấn. 

Năm nay, Chương trình BOTT còn có sự góp mặt của một trong những đơn vị chăn nuôi lớn, đó là Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam và doanh nghiệp này đã có cam kết với Sở Công thương TPHCM cùng Bộ NN-PTNT sẽ cung ứng đủ sản lượng tham gia BOTT, tăng cường kiểm tra phòng chống dịch tả heo châu Phi, trước nguy cơ lây nhiễm từ các địa phương của Trung Quốc tiếp giáp với biên giới Việt Nam. 

Ngoài việc phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, ban quản lý Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn cũng tăng cường lấy mẫu thịt heo vào chợ nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giám sát chất lượng nguồn hàng nhập chợ qua các cơ sở giết mổ. 

Vào những ngày cao điểm tết, cơ sở giết mổ Xuyên Á của Công ty An Hạ sẽ cung ứng khoảng 1.700 con/ngày, tăng hơn 500 con so với ngày thường. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ, chia sẻ doanh nghiệp đã tăng cường giám sát khâu giết mổ để tránh tình trạng bơm nước, tiêm thuốc an thần vào đàn heo. Các điểm bán của công ty sẽ có giá bán bằng với các chợ đầu mối và thấp hơn giá bán ở siêu thị. 

Theo Sở Công thương TPHCM, với giá thịt heo đang dao động từ 46.000 - 50.000 đồng/kg, người nuôi đã có lãi và nhiều hộ chăn nuôi tăng đàn trở lại để đáp ứng thị trường tết. Năm nay nguồn hàng bình ổn sẽ chiếm 30% - 40% thị phần, cùng với hơn 4.000 cửa hàng bán giá bình ổn trước và sau tết 2 tháng.

Tin cùng chuyên mục