Sau 3 phiên giao dịch đầu tuần, với 2 phiên tăng và 1 phiên giảm, VN Index tăng 9,01 điểm, lên 460,72 điểm. HNX Index giảm nhẹ 0,97 điểm, xuống 124,84 điểm.
Thị trường tăng điểm trong 2 phiên vừa qua trong sự ngạc nhiên của nhiều người, và thực sự cho đến giờ vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác. Cách đây đúng 1 tháng, VN Index cũng tăng lên khu vực 460 điểm rồi bắt đầu điều chỉnh giảm dần, nhưng không thể nói thị trường tăng trở lại do bị nén quá lâu - vì quá trình điều chỉnh giảm từ tháng trước đến tháng này tương đối ít ỏi.
Thông tin vĩ mô những ngày gần đây cũng không có gì đột biến trong khi dòng tiền tham gia thị trường vài tuần qua cũng rất khiêm tốn khi mỗi phiên hai sàn chỉ đạt khoảng 1.500 tỷ đồng. Như vậy có thể kết luận đợt tăng điểm này mang tính nhất thời hơn là khẳng định một xu thế rõ ràng. Nhưng cũng có một điểm tích cực ở đây là NĐT hiện nay đã tương đối tỉnh táo khi thị trường giảm, kiên nhẫn chờ đợi, mua trung bình giá xuống để rồi khi đảo chiều trở lại cũng kiên nhẫn canh bán giá cao thay vì xả hàng ồ ạt.
Điểm đáng chú ý nhất là động thái giải ngân rất mạnh của NĐTNN khi VN Index giảm về 440 điểm, lộ rõ ý đồ không muốn để thị trường tiếp tục đi xuống thêm nữa, tương tự như khi VN Index giảm về 420 điểm vào cuối tháng 8. Ngoài ra, lý do giá CP đang trở về mức hấp dẫn để mua vào cũng không thật sự hợp lý, vì tại khu vực VN Index 420 điểm có rất nhiều CP trở về mức giá “rẻ mạt” nhưng NĐTNN vẫn chỉ mua vào một cách bình thường. NĐTNN hiện đang giải ngân một cách có chọn lọc vào những CP có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường như BVH, MSN, VIC... từ đó tạo ra hiệu ứng cho các mã còn lại. Cách đánh tập trung này vừa hạn chế sự tốn kém tiền bạc lại có thể tạo ra niềm tin để kéo NĐT còn lại tham gia thị trường. Có thể nói khối ngoại hiện giờ đang là “diễn viên” chính của thị trường với nhiệm vụ tạo ra bệ đỡ tâm lý.
Ở đây có ý kiến cho rằng NĐTNN đỡ TTCK Việt Nam vì không muốn danh mục của mình giảm sâu, nhưng giai đoạn này thường diễn ra vào cuối quý, còn bây giờ mới chỉ là đầu quý IV. Vì sao khối ngoại lại “chịu chơi” như vậy? Nếu chúng ta quan sát trong hơn 1 năm qua, mức độ giải ngân của NĐTNN thường tỷ lệ thuận với biến thiên của chỉ số Dow Jones. Thời gian gần đây, TTCK Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung có khá nhiều điểm khởi sắc. Lý do này không nhiều NĐT chú ý, vì từ lâu diễn biến của TTCK Việt Nam có phần tách biệt với TTCK thế giới, nhưng động thái của các NĐTNN vẫn dựa khá nhiều vào Dow Jones. Và một điều nữa chính là niềm tin của NĐTNN đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn được củng cố. Nền kinh tế nước ta cũng như toàn cầu đang ở đường biên giữa hậu suy thoái và chính thức phục hồi. Nhìn lại giai đoạn năm 2005 và đầu năm 2006, NĐTNN cũng mua vào rất mạnh để rồi sau đó thị trường bước vào sóng tăng trong nửa cuối năm 2006. Tình hình hiện nay cũng có một số nét tương đồng nên có thể NĐTNN đang mua bởi cái nhìn dài hạn cho một đợt sóng của năm 2011.
Rất khó để VN Index có thể bứt phá qua vùng 460-465 điểm để tiến lên 480 điểm, nhất là khi thị trường không có nhiều yếu tố hỗ trợ. Khối ngoại hiện chỉ đỡ và mua vào chứ không “đẩy” nên chúng ta đừng kỳ vọng thị trường sẽ tăng điểm nhờ khối này. Đối với NĐT ngắn hạn, lúc này không nên mua vào nữa, thay vào đó, nếu danh mục có CP nào lời, nên tiến hành bán ra để thu tiền về. Nếu NĐT lựa chọn thời gian mua và nắm giữ từ 6 tháng trở lên, vẫn tiếp tục chiến thuật giải ngân từng phần vào những CP có nền tảng cơ bản tốt thật sự. Có thể giá CP tại khu vực VN Index 450 điểm cao hơn tại 420 điểm, nhưng về dài hạn, chênh lệch này không đáng kể, nếu chần chừ tiếc “vài giá”, khi thị trường lên có thể sẽ giảm đáng kể phần lợi nhuận.
Rủi ro lớn nhất của thị trường hiện nay chính là yếu tố tâm lý của NĐT, mới cuối tuần trước ai cũng nói rằng VN Index phải xuống 420 điểm rồi mới mua vào, nhưng bây giờ tất cả lại hồ hởi cho rằng ngưỡng 440 điểm là cực kỳ vững vàng. Chừng nào tâm lý NĐT vẫn còn dao động như hiện nay, thị trường khó có thể hình thành sóng tăng một cách rõ rệt.
NGÔ THANH PHÁT
Trưởng phòng Phân tích CTCK Quốc Tế