Ngày 16-10, tại hội nghị góp ý dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Đoàn ĐBQH tổ chức, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cho rằng cần minh định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cấp; đặc biệt là của người đứng đầu để dễ dàng “truy” trách nhiệm.
Người dân tìm hiểu tra cứu thông tin hành chính trên hệ thống máy tính tại phòng giải quyết hồ sơ UBND quận Tân Bình. Ảnh: Thanh Tâm
Pháp luật không rõ ràng
Nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài lập luận: nguyên tắc đầu tiên để tổ chức chính quyền là phải xác định chính quyền ta là của dân, do dân, vì dân; thứ hai, chính quyền các cấp phải vận hành thông suốt, nhanh và có hiệu lực; thứ ba, phải bảo đảm sự giám sát của nhân dân thông qua pháp luật. “Nếu pháp luật không đầy đủ, rõ ràng và thường xuyên thay đổi thì vai trò dân chủ của dân sẽ không được thực hiện đầy đủ mà chỉ là nói suông”, nguyên Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài nhấn mạnh.
Theo đó, muốn đạt được yêu cầu này cần phải có sự minh định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mỗi cấp, mỗi bộ phận mà đặc biệt là người đứng đầu và các thành viên trong mỗi UBND. Minh chứng những việc éo le, bi kịch xảy ra khi Chủ tịch UBND lãnh đạo theo 2 cơ chế thủ trưởng và tập thể. Tức là chủ tịch có vai trò như người đứng đầu điều hành, có trách nhiệm phân công công việc cho các phó chủ tịch, nhưng đồng thời cũng có vai trò trách nhiệm tập thể. Những vấn đề quan trọng thì phải họp và quyết tập thể, còn những vấn đề khác thì chủ tịch quyết. “Xin lỗi chứ cái nào là quan trọng? Cái nào là không quan trọng? Chỗ này không rõ nên khi kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu cũng khó!” - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP bày tỏ và đề xuất nên tăng thẩm quyền cho Chủ tịch UBND nhiều hơn để chịu trách nhiệm lớn hơn.
Đồng tình, chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ, đề xuất: Thẩm quyền của Chủ tịch UBND quyết định về các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp mình trong trường hợp cấp bách mà không thể chờ đến kỳ họp HĐND cùng cấp và để tránh thiệt hại cho địa phương. “Tuy quy định như vậy có làm giảm vai trò của HĐND, Thường trực HĐND và các thành viên khác của UBND nhưng suy cho cùng, nhân dân trao quyền lực cho nhà nước để bảo vệ quyền lợi của nhân dân, nhưng khi để quyền lợi của nhân dân bị xâm hại thì quyền lực đó cũng vô nghĩa” - ông Diệp Văn Sơn nói.
Chỉ phân cấp một số lĩnh vực, chưa đủ
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất làm rõ mô hình tổ chức chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Chánh Trực phân tích, thực tế hiện nay một thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM nhưng mô hình quản lý không khác bất kỳ một tỉnh nào trong cả nước. Như vậy là không phù hợp. “So với một tỉnh có dân số bằng 1/4, thậm chí chỉ bằng khoảng 10% - 15% dân số TP, GDP tỉnh quá nhỏ so với GDP TP, nộp ngân sách ít trong khi TP nộp khoảng 15% - 30% tổng ngân sách quốc gia là bất hợp lý và gây ra nhiều khó khăn trong điều hành thực tế của các thành phố lớn. Đó là chưa kể tạo tâm lý không công bằng trong tâm tư cán bộ và nhân dân” - nguyên Chủ tịch HĐND TP phân tích. Trên cơ sở đó, ông Trực kiến nghị Quốc hội nên xây dựng chính quyền đô thị đối với các thành phố trực thuộc Trung ương. Chính quyền đô thị là chính quyền hai cấp: cấp thành phố và cấp phường. Cấp phường sẽ được điều chỉnh quy mô dân số và diện tích thích hợp. Còn các quận không phải là cấp chính quyền mà sẽ trở thành cánh tay nối dài của chính quyền thành phố. Đối với vùng nông thôn còn lại của các thành phố vẫn áp dụng tổ chức và cơ chế chính quyền như các huyện của cả nước một cách thống nhất.
Cũng cho rằng khu vực nông thôn và khu vực đô thị có nhiều đặc thù khác nhau, tổ chức quản lý cào bằng đối với hai khu vực này là không phù hợp, theo nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ Diệp Văn Sơn, thời gian qua, Trung ương có phân cấp một số lĩnh vực cho Hà Nội và TPHCM nhưng sự phân cấp ấy vẫn chưa đủ, chưa phát huy hết nguồn lực của hai thành phố lớn. “Đã đến lúc đặt vấn đề tự quản đô thị ở tầm Luật Đô thị”, ông Sơn nhấn mạnh.
VÂN ANH