Dilip Kumar Sahu rời nông thôn tại bang Bihar 6 năm trước để theo đuổi một cuộc sống tốt hơn tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ và hiện đang quản lý một cửa hàng cho một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng. Sahu là một trong những người mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi là “tầng lớp tân trung lưu”.
Theo Wall Street Journal, những thành phố của Ấn Độ ngày nay có khá nhiều người thuộc diện này, những người không còn nghèo nhưng chưa phải là tầng lớp trung lưu thật sự. Việc chi tiêu của họ được mong đợi là mang đến cơ hội thịnh vượng hơn cho nền kinh tế lớn thứ ba của châu Á nhưng đang có nhiều dấu hiệu trì trệ. Chính phủ mới của Ấn Độ vừa công bố các chính sách kinh tế, theo đó tập trung vào nhóm người mang tính động lực thúc đẩy kinh tế Ấn Độ này.
Uớc tính, số người thuộc diện tân trung lưu tại Ấn Độ lên đến hàng trăm triệu người, chính phủ của ông Modi đang thúc đẩy các biện pháp từ cắt giảm thuế thu nhập và thuế nhập khẩu một số sản phẩm tiêu dùng, gia tăng chi tiêu nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị và mở rộng các chương trình dạy nghề.
Sahu hy vọng đời của anh khác với cha mình khi anh bằng tuổi cha không phải đắn đo chi tiêu từng đồng rupee. Trong cuộc tổng tuyển cử Quốc hội hồi đầu năm 2014, Sahu đã bỏ phiếu cho đảng Bharatiya Janata của ông Modi với niềm tin rằng chính sách của họ sẽ giúp mang lại một Ấn Độ giàu có và hiện đại hơn. Cũng như nhiều người tân trung lưu khác, Sahu rất vui mừng về quyết định giảm thuế của chính phủ mới. Điều đó có thể giúp họ sắm sửa thêm nhiều thứ cần thiết cho cuộc sống.
Các chính phủ tiền nhiệm Ấn Độ được xem là tập trung quá nhiều vào tầng lớp những người nghèo nhất. Vì vậy, chính sách của chính phủ hiện nay được xem là một sự thay đổi đáng kể. Mặc dù vậy, Thủ tướng Modi vẫn đang tiếp tục các biện pháp xóa đói giảm nghèo. Tuy đã thoát nghèo nhưng tầng lớp trung lưu mới như anh Sahu vẫn cần những chương trình cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và nhiều hàng hóa thiết yếu khác theo giá ưu đãi của chính phủ.
Thật ra, mối quan tâm của ông Modi đến tầng lớp trung lưu mới của Ấn Độ đã có từ năm 2012, khi ông còn là thủ hiến bang Gujarat. Khi đó ông cho rằng một thập kỷ phát triển của Ấn Độ đã sản sinh ra tầng lớp này sau khi thoát nghèo và bây giờ cần một bước đột phá mới tự tin để đưa họ thật sự trở thành tầng lớp trung lưu.
Số liệu nghiên cứu công bố năm 2010 của Hội đồng Nghiên cứu kinh tế quốc gia cho thấy trong năm 2013, khoảng 75 triệu hộ gia đình, tương đương 380 triệu người Ấn Độ, có thu nhập từ 3.650 - 7.300 USD/năm. Nhóm này nằm ngay dưới tầng lớp trung lưu (thu nhập từ 7.300 - 36.500 USD/năm), chiếm 30% dân số Ấn Độ và đã tăng từ mức 220 triệu người năm 2001.
Ông Shukla, người hiện đứng đầu hội đồng nghiên cứu này cho rằng một trong những lý do thất bại của đảng Quốc đại trong cuộc bầu cử hồi đầu năm là đã thiếu quan tâm đến tầng lớp trung lưu mới. Ông ước tính rằng nếu nền kinh tế của Ấn Độ đạt mức tăng trưởng 7% trong 5 năm tới, khoảng 46% dân số gồm tầng lớp trung lưu và trung lưu mới sẽ trở thành đa số.
Ông Shukla nói: “Nếu chúng ta muốn có một quốc gia thịnh vượng, chúng ta phải giúp tăng thêm tầng lớp trung lưu cho ngày mai”.
THỤY VŨ