Xuất khẩu lao động trong năm 2006

Tăng thị phần có thu nhập cao

Tăng thị phần có thu nhập cao

Năm 2005, gặp nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng đã đưa trên 70 ngàn lao động đi nước ngoài làm việc, trong đó chiếm 80% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, chế tạo, điện tử, lắp ráp, cơ khí... So với các năm trước, lao động có kỹ thuật, trình độ cao chiếm tỷ lệ cao hơn.

Tăng thị phần có thu nhập cao ảnh 1

Lao động Việt Nam làm việc trong nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô ở Malaysia.

“Năm 2006, Việt Nam (VN) tiếp tục hướng tới thị phần xuất khẩu lao động có thu nhập cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn. Để làm được điều này thì vấn đề cốt lõi là phải chuẩn bị nguồn và nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Lương Trào đã nhấn mạnh như vậy.

Với thu nhập bình quân cao gấp 3 - 5 lần so với làm việc trong nước, hàng năm lao động VN đi xuất khẩu gửi về nước nguồn ngoại tệ khá lớn (riêng năm 2005 là 1,6 tỷ USD). Nhờ kênh XKLĐ, áp lực việc làm trong nước bớt căng thẳng, nhiều lao động được tạo việc làm, thu nhập tăng và tỷ lệ đói nghèo ở các vùng nông thôn giảm nhanh.

Thế nhưng, quy mô XKLĐ của ta nhìn chung còn thấp so với các nước có XKLĐ. Bình quân mỗi năm VN mới đưa được khoảng 7 vạn lao động đi nước ngoài làm việc. Vì sao? Hạn chế này bắt nguồn từ thực tế năng lực của các doanh nghiệp XKLĐ chưa đủ mạnh.

Trong khi áp lực cạnh tranh để mở rộng thị phần XKLĐ ngày càng gay gắt thì chất lượng lao động của VN chưa đủ để hội nhập với môi trường làm việc quốc tế. Lâu nay ta chỉ nặng về xuất khẩu lao động phổ thông, chưa qua đào tạo bài bản để đạt chuẩn về trình độ ngoại ngữ, kỹ thuật, tay nghề, kỹ năng, tác phong làm việc và tính chuyên nghiệp. Vì thế, chẳng những chưa tạo được thương hiệu riêng, lao động VN khi ra nước ngoài làm việc đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, hạn chế so với lao động của các nước trong khu vực.

Để khắc phục những hạn chế này, nâng dần chất lượng lao động xuất khẩu, trong năm 2006, Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp XKLĐ phải chủ động tạo nguồn, chuẩn bị đào tạo nguồn lao động đạt chuẩn cho các thị trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo việc mở rộng thị phần XKLĐ có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt.

Để hạn chế rủi ro cho người lao động khi đi nước ngoài làm việc, Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ phải tìm kiếm, thẩm định kỹ hợp đồng, kiên quyết không đưa lao động đi làm việc theo những hợp đồng không đảm bảo điều kiện làm việc dù có thu nhập cao. Điểm lại thực tế cho thấy, VN đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đưa lao động đi nước ngoài làm việc ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Italia, Canada,... Chất lượng lao động không đạt yêu cầu. Chỉ riêng thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, nếu lao động được quản lý tốt thì số lượng được tiếp nhận hàng năm rất lớn.

Song song đó, thị trường lao động XKLĐ cao cấp, có trình độ kỹ thuật, công nghệ cao đã mở nhưng lao động VN chưa nắm bắt được thời cơ vì nhiều rào cản khác nhau. Một vấn đề khiến lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH và Cục Quản lý lao động ngoài nước trăn trở là phải nghiên cứu, tìm giải pháp để giảm tối đa chi phí ban đầu đi nước ngoài làm việc. Bởi lẽ hiện nay, chi phí đi XKLĐ ở một số thị trường chẳng những quá cao mà còn bất hợp lý.

Để mở rộng quy mô XKLĐ, trong năm 2006, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về XKLĐ, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp XKLĐ phát huy nội lực, mở rộng thị phần. Trong năm nay, Bộ LĐ-TB-XH sẽ trình Quốc hội Dự thảo Luật XKLĐ. Để tăng quy mô và mở rộng thị phần XKLĐ có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt hơn, Quỹ Hỗ trợ XKLĐ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đi tìm kiếm thị trường mới, có thu nhập cao.

KHÁNH BÌNH

 

Tin cùng chuyên mục