Thế giới đang chứng kiến một cuộc chạy đua chiếm lĩnh không gian giữa các cường quốc. Hãng thông tấn AFP ngày 9-11 cho biết, kết thúc cuộc hội đàm thường niên cấp bộ trưởng giữa Mỹ và Australia (AUSMIN) tại Melbourne, hai bên đã ký thỏa thuận nguyên tắc “Hợp tác Nhận thức tình huống không gian”, mở đường cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa hai nước về giám sát an ninh không gian.
Với thỏa thuận này, Australia và Mỹ có kế hoạch mở rộng hoạt động giám sát các vật thể trong không gian tại khu vực Nam bán cầu. Cụ thể, hai nước sẽ cải thiện hoạt động theo dõi, giám sát các vật thể trong không gian như vệ tinh, rác vũ trụ, khả năng phóng tên lửa tầm xa từ những nước như CHDCND Triều Tiên. Thỏa thuận cũng cho phép mở rộng vai trò của Mỹ tại trạm Thông tin Hải quân Harold E.Holt, Tây Australia, hiện đang do quân đội Mỹ sử dụng...
Theo đánh giá, trong khi mạng lưới giám sát không gian của Mỹ tại khu vực Bắc bán cầu hoạt động hiệu quả, hoạt động tại Nam bán cầu lại không bao quát đầy đủ và đáp ứng các yêu cầu từ phía Australia nhằm theo dõi số lượng vệ tinh đang tăng nhanh tại đây.
Hiện nay, số lượng gia tăng các loại vệ tinh và rác thải không giảm buộc các quốc gia phải tăng cường hệ thống giám sát. Tuy nhiên, các nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm tránh khỏi những thảm họa tiềm tàng đang dẫn đến một cuộc chạy đua chiếm lĩnh không gian.
Thực ra, cuộc chiến vũ trụ đã được khai hỏa khi lần đầu tiên Trung Quốc phóng thành công tên lửa chống vệ tinh vào ngày 1-11-2007. Đây được coi như động thái chứng tỏ sức mạnh cũng như khả năng phòng thủ của hệ thống lá chắn tên lửa vừa được Trung Quốc thiết lập.
Sự kiện này đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 sau Mỹ và Nga bắn hạ một vật ngoài không gian. Tháng 2-2008, Mỹ đã dùng tên lửa đánh chặn SM-3 phóng từ chiến hạm ở Thái Bình Dương để tiêu diệt một vệ tinh do thám mang bí số USA-193/NROL21 “hết hạn sử dụng”.
Để đánh lạc hướng dư luận, khi đó Mỹ cho biết, vụ đánh chặn nhằm tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh quyển. Nhưng Bộ Quốc phòng Nga lại cho rằng việc dùng tên lửa phá hủy vệ tinh chỉ là vỏ bọc che đậy việc thử nghiệm vũ khí không gian mới do Mỹ tiến hành.
Để thúc đẩy quá trình “quân sự hóa không gian”, Mỹ không ngừng đầu tư phát triển công nghệ không gian với các ứng dụng mang tính quân sự. Theo báo cáo của SSI, tính đến nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi 10,7 tỷ USD vào các vệ tinh viễn thông, tình báo, do thám và giám sát, cũng như những ứng dụng trong điều khiển vũ khí.
Tháng 7-2010, Ấn Độ cũng đã phóng thành công 5 vệ tinh lên quỹ đạo, sau ba tháng thất bại trong vụ phóng một vệ tinh gần đây nhất. Nhưng Ấn Độ đã quyết tâm theo đuổi chương trình phóng vệ tinh lên vũ trụ khi các thông tin cho thấy có nước trên mặt trăng.
Nhật Bản đã đặt mục tiêu hạ cánh xuống Mặt trăng trước năm 2020 với việc xây dựng một căn cứ trên Mặt trăng sau đó dù Nhật Bản chưa phát triển tàu vũ trụ có người lái. Hàn Quốc đã làm việc với Nga để phát triển tàu vũ trụ nhỏ của riêng mình để có thể tự phóng vệ tinh. Indonesia cũng phóng thành công một vệ tinh vào quỹ đạo…
Giống như việc khảo sát khoa học tại Nam cực, ai đến trước người đó nắm quyền chủ động. Các nước đang ngấm ngầm chạy đua trong việc bố trí các hệ thống tên lửa nhằm kìm hãm và răn đe lẫn nhau. Cuộc chạy đua vào vũ trụ không chỉ để chứng tỏ ưu thế trong nghiên cứu khoa học hoặc tìm kiếm tài nguyên mà còn vì mục đích quân sự.
X.Hạnh