Kín lịch học thêm
Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, Quách Xảo Linh, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TPHCM) cho biết, hiện tại em học thêm 5 môn gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn và tiếng Anh. Lịch học thêm phủ kín các ngày trong tuần; gồm tối thứ 2, 4, 6 từ 17 giờ 30 - 19 giờ 30 học thêm môn Toán, vừa xong lớp Toán em học tiếp môn Vật lý từ 19 giờ 30 - 21 giờ. Các ngày còn lại trong tuần, kể cả thứ 7, lịch học thêm chia đều cho các môn Hóa học, Ngữ văn và tiếng Anh. “Em chỉ còn thời gian trống vào chiều chủ nhật hàng tuần để thư giãn đầu óc”, Xảo Linh bày tỏ.
Tương tự, mỗi buổi chiều sau khi kết thúc giờ học chính khóa ở trường, Võ Thị Ái Vân, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5, TPHCM), đến lớp học thêm 3 môn Toán, Vật lý và Hóa học đến 20 giờ. Về nhà, sau khi tắm rửa và ăn tối, nữ sinh này làm bài tập đến 23 giờ đêm. “Từ đây đến ngày thi thời gian không còn nhiều, áp lực tăng dần. Do đó, em tập trung nghe thầy cô giảng bài và tranh thủ nắm vững kiến thức đối với các môn xã hội ngay tại lớp, về nhà chỉ dành thời gian học các môn tự nhiên, đặc biệt là 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đại học”, Ái Vân cho biết. Định hướng sắp tới, em mong muốn trúng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Ở góc độ khác, Dương Thanh Tú, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Thủ Đức (TP Thủ Đức, TPHCM), cho rằng giai đoạn nước rút không đồng nghĩa với việc học ngày, học đêm dẫn đến “đuối sức” sát ngày thi. Theo Thanh Tú, mỗi người có khả năng riêng, cùng mục tiêu đại học nhưng có rất nhiều đường đi đến đó. Hiện nay, cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học rất rộng mở, nếu không trúng tuyển nguyện vọng này thì vẫn còn cơ hội xét tuyển vào nhiều trường khác. Vì vậy, Thanh Tú không đặt mục tiêu phải đậu vào một trường đại học nào đó bằng mọi giá, như vậy sẽ vô cùng áp lực. Riêng với Nguyễn Huỳnh Hà My, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức, TPHCM), ngay từ đầu em lựa chọn hình thức xét tuyển đại học bằng học bạ nên thời điểm hiện tại, Hà My dành nhiều thời gian tìm hiểu thông tin về phương thức xét tuyển học bạ trên website các trường đại học. Thời gian đầu tìm hiểu, thông tin quá nhiều khiến Hà My rối, nhưng sự hỗ trợ của giáo viên đã giúp em bình tĩnh lại, ghi nhớ các mốc thời gian quan trọng khi làm hồ sơ xét tuyển học bạ.
Lựa chọn mục tiêu nghề nghiệp phù hợp
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết, về cơ bản, quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023 không thay đổi so với năm 2022, tất cả các khâu đều thực hiện theo hình thức trực tuyến. Thí sinh được đăng ký số lượng nguyện vọng xét tuyển đại học và điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần thao tác. “Hiện nay, các ngành nghề đào tạo đều có sự liên thông, liên kết với nhau, không phải học ngành nào ra trường thì chỉ làm việc đó, nên học sinh không cần quá áp lực. Tuy nhiên, việc tìm hiểu, cân nhắc nguyện vọng xét tuyển đại học cần tiến hành từ sớm chứ không nên chờ có kết quả thi tốt nghiệp rồi mới tính đến phương án xét tuyển đại học”, đại diện Bộ GD-ĐT nêu ý kiến.
Theo nhiều chuyên gia tư vấn, thị trường lao động của Việt Nam hiện nay đang thiếu cả “thầy” lẫn “thợ”, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, học sinh cần dựa vào năng lực học tập của bản thân, kết hợp với sở thích, đam mê để lựa chọn mục tiêu nghề nghiệp phù hợp.
TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, phân tích thêm, ngoài việc dựa trên thế mạnh học tập và sở thích của bản thân, học sinh cần tìm hiểu môi trường làm việc thực tế của ngành học sau khi ra trường. Bởi nghề nào cũng có vinh quang và cả mặt trái, không thể chỉ vì nghề đó kiếm được nhiều tiền hay là ngành “hot” mà lựa chọn.
Trường hợp phát hiện chọn sai ngành học, học sinh cần thật bình tĩnh là lời khuyên của Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) Nguyễn Quốc Chính. Học sinh có thể chọn sai mục tiêu học tập ở một thời điểm, nhưng hoàn toàn có thể điều chỉnh trong quá trình học tập cũng như làm việc thực tế sau này. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi liên tục, yêu cầu quan trọng nhất đối với người học là trang bị kỹ năng tự thích ứng, bởi thành công hay thất bại không đến từ kết quả của một kỳ thi.