Tăng tốc chuyển đổi xanh ở Malaysia

Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia (MITI) cho biết, nước này đang thực hiện các bước để củng cố vị thế quốc gia thông qua các biện pháp chính sách khác nhau, tận dụng hệ sinh thái ô tô điện (EV) hiện có và đảm bảo nguồn lực vững chắc để giúp phát triển ngành công nghiệp EV ở Malaysia.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc năm 2023 về xe điện, Bộ trưởng MITI Tengku Datuk Seri Zafrul Tengku Abdul Aziz cho biết, Malaysia đang nghiêm túc xem xét các chính sách hỗ trợ ngành năng lượng để đảm bảo thiết lập được hệ sinh thái xe điện hoàn chỉnh và được hỗ trợ đầy đủ, bao gồm các tiêu chuẩn, chứng nhận và xác minh liên quan đến hệ thống sạc và hoạt động xử lý pin. Bên cạnh đó, Malaysia có một hệ sinh thái EV đã được thiết lập, được hỗ trợ bởi các cơ sở nghiên cứu, phát triển và tiêu chuẩn vững chắc với các cơ quan như Viện Nghiên cứu công nghiệp và tiêu chuẩn của Malaysia, vốn được coi như một phân ngành phụ có thể phục vụ toàn bộ chuỗi giá trị EV, bao gồm chất bán dẫn, cảm biến, điện tử ô tô, máy thu phát, pin và lắp ráp ô tô.

Malaysia đặt mục tiêu xây dựng 10.000 trạm sạc cho EV. Ảnh: BERNAMA

Malaysia đặt mục tiêu xây dựng 10.000 trạm sạc cho EV. Ảnh: BERNAMA

Để tận dụng thị trường EV, Chính phủ Malaysia cũng sẽ tăng cường giáo dục, đào tạo kỹ thuật và dạy nghề, cam kết chắc chắn về chiến lược phát triển ngành ô tô, đặc biệt là ngành xe điện, như một phần của mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này bao gồm chính sách miễn thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện nhập khẩu cho đến ngày 31-12-2023, miễn thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và thuế bán hàng đầy đủ cho xe điện lắp ráp trong nước cho đến ngày 31-12-2025. Ngoài ra, còn có các ưu đãi thuế đặc biệt để phát triển các cấu phần quan trọng như hệ thống quản lý pin, bộ pin và dung lượng, hệ thống sạc pin và công nghệ hoán đổi pin dựa trên module.

Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp EV, Malayisa sẽ miễn thuế đường bộ tới 100% cũng như giảm thuế thu nhập cá nhân đối với chi phí mua, lắp đặt, thuê, thuê mua và phí đăng ký cho các phương tiện sạc EV. Cơ quan đầu tư và phát triển Malaysia (MIDA) đã phê duyệt 26 dự án liên quan đến EV và các hệ sinh thái liên quan, bao gồm lắp ráp, sản xuất phụ tùng và linh kiện cũng như linh kiện sạc. Việc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và vận tải điện là một bước quan trọng hướng tới cam kết của Malaysia đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như đã nêu trong Kế hoạch Malaysia lần thứ 12 (12MP).

Theo Kế hoạch chi tiết về di chuyển carbon thấp 2021-2030, Malaysia đặt mục tiêu xe điện và xe hybrid chiếm ít nhất 15% tổng khối lượng ngành vào năm 2030. Đến năm 2025, chính phủ đặt mục tiêu cung cấp 10.000 thiết bị sạc công cộng, bao gồm 9.000 thiết bị loại xoay chiều (AC) và 1.000 thiết bị loại một chiều (DC). Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển đầu tư Malaysia (MIDA) Datuk Wira Arham Abdul Rahman cho biết, MIDA cam kết thu hút các khoản đầu tư chất lượng để hỗ trợ chuỗi cung ứng EV và hệ sinh thái EV của Malaysia, đặc biệt là trong các thành phần quan trọng như pin, hệ thống quản lý pin, trí tuệ nhân tạo, sạc trên tàu, cơ sở hạ tầng sạc và công nghệ hoán đổi pin dựa trên module.

Theo Chủ tịch Viện Ô tô, Robot và IoT Malaysia (MARii) Datuk Phang Ah Tong, MARii cũng đang hỗ trợ cam kết của Malaysia về mục tiêu không có khí nhà kính vào năm 2050: “Các chương trình này cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn để nâng cao năng lực của các nhà cung cấp ô tô địa phương để cạnh tranh và bền vững hơn ở cấp độ toàn cầu”.

Tin cùng chuyên mục