CNTT-Viễn thông Việt Nam 2005

Tăng trưởng cao nhưng chỉ số còn… thấp

Tăng trưởng cao nhưng chỉ số còn… thấp

Chuỗi hội thảo và triển lãm CNTT- Viễn thông diễn ra tại TPHCM từ ngày 5 đến 10-7 đã phác họa bức tranh đa sắc về các hoạt động CNTT- Viễn thông Việt Nam năm 2004-2005. Phóng viên báo SGGP đã ghi nhận một số ý kiến tại hoạt động này:

  • TS LÊ TRƯỜNG TÙNG, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM:
    Thị trường năm 2005 ước đạt 910 triệu USD

Năm 2005, kim ngạch nhập khẩu thiết bị tin học của VN ước khoảng 912 triệu USD và được đánh giá là năm rất khởi sắc. Công nghiệp phần cứng VN ước đạt doanh số 760 triệu USD, trong đó chủ yếu là xuất khẩu từ các công ty 100% vốn nước ngoài. Ngành công nghiệp phần mềm- dịch vụ đạt doanh số 170 triệu USD, trong đó 125 triệu USD phục vụ thị trường nội địa và 45 triệu USD gia công xuất khẩu.

Tăng trưởng cao nhưng chỉ số còn… thấp ảnh 1

Hãng Fuji giới thiệu máy in ảnh kết nối với điện thoại di động nhờ công nghệ Bluetooth.

Các chính sách năm 2004-2005 tiếp tục tập trung vào kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về CNTT- Viễn thông, giảm giá và bỏ dần độc quyền trong lĩnh vực viễn thông. Thời gian qua, hàng loạt sở Bưu chính- Viễn thông các tỉnh, thành phố đã thành lập và đi vào hoạt động.

Cục ứng dụng CNTT ra đời vào tháng 10-2004 thể hiện quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng thị trường CNTT- Viễn thông Việt Nam đạt tới 33%, tuy nhiên thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới vẫn ở vị trí chưa phấn khởi.

  • TS NGUYỄN TRỌNG, nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT:
    Suất đầu tư ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp còn thấp

Cả nước hiện có khoảng 85.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động với khoảng 55% số DN có sử dụng CNTT. Đầu tư cho ứng dụng CNTT trong các DN còn thấp, tỷ lệ chung khoảng 0,15 % - 0,16% doanh số. Tổng đầu tư cho CNTT của các DN năm 2004 là 2.850-3.040 tỷ đồng. Trong những năm tới, Nhà nước và DN cần nâng suất đầu tư cho CNTT lên dần để đến 2010 không dưới 0,5% doanh số.

  • TS Phạm Thị Bích Hoa, Học viện Hành chánh Quốc gia:
    Chính phủ điện tử qua các website chưa sẵn sàng

Qua khảo sát 49 website tỉnh, thành phố và 19 website bộ ngành, tôi nhận thấy nội dung thông tin trên các website còn thiếu đầu tư mang tính hệ thống, chưa khai thác được thế mạnh của công nghệ để phát huy những giá trị của thông tin nhằm tạo ra một phương thức giao tiếp hiệu quả trong quan hệ giữa công dân với Chính phủ.

Việc duy trì, chăm sóc để “nuôi sống” và cải tiến website còn chưa được quan tâm đầy đủ. Nhiều nội dung thông tin liên quan đến mục tiêu phục vụ cộng đồng trên các website chưa được chú trọng đầy đủ từ khâu biên tập, biên soạn, trình bày và cập nhật mới; do vậy chưa thật sự đáp ứng nhu cầu, mong muốn của các “khách hàng” cũng như vai trò hỗ trợ của cơ quan hành chánh nhà nước đối với “ khách hàng” qua các website.

  • Ông Nguyễn Lê Thúy, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Bưu chính- Viễn thông):
    Giao dịch thương mại trực tuyến mới ở ngưỡng bắt đầu

Hiện nay nhiều dịch vụ ứng dụng trực tuyến và giao dịch thương mại mới ở ngưỡng bắt đầu, trong khi đó số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã đủ lớn (trên 7,5 triệu).

Bức tranh về dịch vụ giá trị gia tăng trên Internet ở Việt Nam vẫn đang quá giản đơn và sẽ đón chờ những “sắc màu mới” về các dịch vụ mới, thu hút người sử dụng nhiều hơn. Internet sẽ tạo lập nền tảng số hóa cho một số lĩnh vực quan trọng: giáo dục, y tế, kinh doanh và giải trí.

  • Ông Trần Thanh Hải, Vụ phó Vụ Thương mại điện tử (Bộ Thương mại):
    Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam còn ở mức sơ khai

Kết quả điều tra ở 230 công ty có website riêng, cho thấy đa phần website này mới chỉ dừng ở mức giới thiệu công ty và sản phẩm dịch vụ. Khoảng 40/230 website đã tiến thêm một bước là có cung cấp thông tin về giá cả sản phẩm, cho phép liên hệ đặt hàng. Số website cho phép thanh toán trực tuyến (bằng thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản) chỉ chiếm hơn 10 %, chủ yếu là các siêu thị trên mạng và website dịch vụ.

Ngành kinh doanh dịch vụ đòi hỏi cao về hàm lượng thông tin và mức độ tương tác giữa khách hàng với nhà cung cấp, rất thích hợp cho môi trường TMĐT. Các sản phẩm - dịch vụ ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng.

Tuy nhiên, do nhiều hạn chế khác nhau như môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, DN còn thiếu kỹ năng, phương thức thanh toán trực tuyến chưa phát triển… nên thị trường dịch vụ trực tuyến còn cần thời gian để trở thành một lĩnh vực thu hút sự tham gia của nhiều DN.

Trên 70 % các lĩnh vực quản lý của ngành tài chính đã được ứng dụng CNTT thông qua các phần mềm ứng dụng, 100% các lĩnh vực đều sử dụng máy tính để hỗ trợ công việc. Nếu không có hệ thống máy tính và các chương trình ứng dụng thì nhiều hệ thống tác nghiệp như ngân sách nhà nước, kho bạc nhà nước, quản lý thu thuế, quản lý công sản, quản lý nợ… gần như không hoạt động được.

So với các hệ thống CNTT tại các bộ ngành khác thì ngành tài chính là đơn vị đứng đầu trong ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và tổ chức dịch vụ điện tử. Tuy nhiên nếu so với các nước thì vẫn ở mức thấp, đứng vị trí thứ 10 trong ASEAN+3. 

KHẮC VĂN 

- Việt Nam hiện có 5 nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet đang hoạt động là VNPT, FPT, Viettel, SPT và NetNam. Chỉ số phổ cập Internet quốc gia (số người sử dụng/dân số): 9,1%. Dung dung lượng kết nối Internet quốc tế: 2574Mbps; tên miền Internet .VN: 10.829. Kết nối Internet trong giáo dục- đào tạo: 100% các trường Cao đẳng - đại học và 94% trường Trung học phổ thông.

- Chỉ số xã hội thông tin: Việt Nam xếp thứ 52/53 nước; tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở mức 92%; chỉ số sẵn sàng cho nền kinh tế điện tử xếp 61/65 nước; chỉ số xếp hạng về Chính phủ điện tử 112/191 nước.

(Nguồn: Bộ Bưu chính- Viễn thông và Hội Tin học TPHCM)

Tin cùng chuyên mục