Tại báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 9 đưa ra ngày 7-10, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân (Công ty Chứng khoán Sài Gòn), nhận định, từ số liệu vĩ mô 9 tháng, đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan hơn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 mà điểm nhấn chính nằm trong ngành công nghiệp.
Nhiều ngành công nghiệp như: thép, ô tô, dệt may, dược và tinh chế dầu mỏ đang có tăng trưởng cao giúp bù đắp cho sự giảm tốc của công nghiệp điện tử. Giá cả hàng hóa tăng cũng như nền thấp của cùng kỳ năm 2017 đã thu hẹp đà giảm của ngành khai khoáng, giúp khai khoáng không còn là gánh nặng lớn như các năm trước.
Tuy vậy, cùng các kết quả này là những rủi ro không thể bỏ qua. Thứ nhất, ngành nông nghiệp không còn giữ được phong độ cao như 2 quý đầu năm. Ngành nông nghiệp có giá trị lớn thứ 2 trong cơ cấu GDP nên đã luôn là “sức ỳ” với tăng trưởng nói chung. Mặc dù đã có một số thay đổi về chính sách nhằm hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn nhưng rõ ràng kết quả đạt được vẫn còn rất nhỏ. Điều này đặt ra vấn đề phải tiếp tục có sự thay đổi nhanh hơn nữa trong sản xuất nông nghiệp để kéo tăng trưởng ngành lên đến 4% - 5%, giảm sức ỳ cho nền kinh tế.
Thứ hai, ngành du lịch đang đối mặt với thách thức từ sự giảm tốc nhanh của khách du lịch quốc tế. Sâu xa hơn, đó là tác động của chiến tranh thương mại đến nhu cầu của thị trường Trung Quốc - thị trường lớn thứ 2 về hàng hóa và lớn nhất về du lịch của Việt Nam. Đây sẽ là rủi ro cho không chỉ năm 2018 mà còn cả cho các năm tiếp theo.