Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, nợ xấu của toàn ngành tính đến cuối quý 3-2015 đã được kéo xuống dưới 3%. Báo cáo công bố tài chính quý 3-2015 từ các ngân hàng cho thấy lợi nhuận rất khả quan, ngay cả khi các ngân hàng phải trích lập dự phòng theo tiêu chí rất khắt khe. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh của ngành ngân hàng được đánh giá vẫn chưa thể thoát khỏi mảng tối.
Nam A Bank vừa được mở thêm 4 phòng giao dịch vì đủ điều kiện đảm bảo an toàn vốn và nợ xấu dưới 3%. Ảnh: HUY ANH
Những gam màu sáng
Báo cáo hợp nhất Vietcombank cho thấy, lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng trong quý 3-2015 là 1.497 tỷ đồng và sau thuế là 1.175 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2014. Lũy kế 9 tháng lợi nhuận trước thuế đạt 4.648 tỷ đồng và sau thuế 3.635 tỷ đồng, cao hơn 11% so cùng kỳ 2014. Lợi nhuận của VietinBank trong quý 3 cũng tăng mạnh 14,8% so cùng kỳ, đạt 1.846 tỷ đồng mặc dù trích chi phí dự phòng rủi ro trong quý 3-2015 tăng lên 66% với 1.284 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, VietinBank đạt 4.461 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 4,4% so cùng kỳ 2014. Tổng lợi nhuận trước thuế của BIDV trong quý 3-2015 đạt 2.417 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, BIDV ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 4.513 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, kết quả kinh doanh tính đến cuối quý 3 cũng rất khả quan. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 3-2015 của ABBank đạt 87 tỷ đồng, cao gấp đôi so với quý cùng kỳ năm trước, mặc dù phải trích lập dự phòng rủi ro hơn 107 tỷ đồng. Lũy kế 3 quý đầu năm 2015, ABBank đạt 243,5 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng khác sau trích lập dự phòng rủi ro như Sacombank cũng đã lãi hơn 2.000 tỷ đồng trước thuế, Ngân hàng Quân đội (MB) lãi 2.255 tỷ đồng trước thuế, Techcombank lãi hơn 1.500 tỷ đồng trước thuế, ACB lãi gần 1.100 tỷ đồng trước thuế…
Nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận của ngân hàng tăng là do kinh tế ngày càng ổn định, tín dụng ngân hàng tăng trưởng mạnh. Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB Đỗ Minh Toàn, kết thúc quý 3- 2015, tăng trưởng tín dụng của ACB đã tăng gần 13%. ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế, sau trích lập dự phòng năm 2015 ở mức gần 1.315 tỷ đồng, nhưng với tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt như hiện nay, ACB sẽ vượt chỉ tiêu.
Nợ có khả năng mất vốn tăng vọt
|
So với tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng ở mức 17,4% vào tháng 9-012 (thời điểm lập đề án xử lý nợ xấu), thì đến nay nợ xấu đã về mức 2,9%; có thể nói kế hoạch xử lý nợ xấu về cơ bản đã đạt mục tiêu đề ra theo lời hứa của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trước Quốc hội. Tuy nhiên, “cục máu đông” nợ xấu vẫn chưa thể tan được, bởi lẽ tỷ lệ nợ xấu toàn ngành dù được kiểm soát dưới 3% nhưng tỷ lệ nhóm nợ có khả năng mất vốn lại tăng vọt.
Thống kê chỉ riêng ba “ông lớn” là Vietcombank, VietinBank và BIDV, mặc dù có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp (BIDV có tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,16% trong tổng dư nợ do sáp nhập với MHB, Vietcombank và VietinBank có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%), nhưng tính đến cuối quý 3-2015 đã lên tới 23.825 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cuối năm 2014. Trong số này, nợ có khả năng mất vốn là 13.254 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng số nợ xấu của cả 3 ngân hàng này. Cụ thể, Vietcombank có 7.141 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 38%, từ 3.571 tỷ đồng đầu năm lên 4.938 tỷ đồng! Tổng nợ xấu của VietinBank gần 4.700 tỷ đồng nhưng lũy kế 9 tháng 2015, con số nợ có khả năng mất vốn lên đến 2.685 tỷ đồng. Còn nợ xấu của BIDV đến cuối tháng 9-2015 đã lên đến 11.924 tỷ đồng (so với 9.055 tỷ đồng vào cuối năm 2014). Trong đó, nợ có khả năng mất vốn đã lên tới 5.631 tỷ đồng, tăng vọt 72%, chiếm gần một nửa tổng số nợ xấu của ngân hàng này.
Thực tế nợ xấu giảm được là nhờ các ngân hàng đã tích cực bán lại nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Nhiều ngân hàng bán nợ vượt so với dự kiến. Bên cạch việc bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng cho biết việc phát mại tài sản thu hồi nợ xấu cũng có sự cải thiện. Theo ông Đỗ Minh Toàn, từ đầu năm đến nay, ACB đã thu hồi được hơn 900 tỷ đồng nợ xấu. Nguyên nhân chính tác động tích cực đến việc thu hồi nợ là do sự phục hồi dần ở phân khúc nhà ở của thị trường bất động sản. Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng, việc xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn vì mức độ bán lại nợ xấu càng lớn, tỷ lệ công bố của các ngân hàng càng đẹp nhưng lợi nhuận ngân hàng sẽ càng mắc nợ trong tương lai. Bởi lẽ, theo cơ chế trích lập dự phòng hiện nay, phần nợ bán lại cho VAMC được phép trải ra trong vòng 5 năm, thậm chí có trường hợp có thể được giãn ra trong 10 năm thay vì dồn vào chi phí. Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu hiện đang vướng mắc rất nhiều ở khâu xử lý tài sản đảm bảo, trong khi đây là khâu trọng tâm của vấn đề và phải được giải quyết dứt điểm. Đầu ra của gần 200.000 tỷ đồng mà VAMC mua lại từ các ngân hàng hiện vẫn được đơn vị này loay hoay tìm bài toán xử lý.
NHUNG NGUYỄN