Tăng trưởng tín dụng đã thực chất hơn

6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới đạt khoảng 7,88% so với cuối năm 2017 - mức tăng khá thấp so với mức 9,06% của cùng kỳ năm 2017. Liệu tăng trưởng tín dụng có hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2018 là 17% hay không? 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh (ảnh), Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết:

Tăng trưởng tín dụng đã thực chất hơn ảnh 1
 Tăng trưởng tín dụng của cả nước 6 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ nhưng phù hợp với định hướng điều hành của NHNN theo các mục tiêu của chính sách tiền tệ đã đặt ra. Riêng TPHCM, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6-2018 đạt 8,6% so với cuối năm 2017, cao hơn bình quân cả nước. Tín dụng tăng trưởng hợp lý, cơ cấu tín dụng đã hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Cụ thể, tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 75% - 78% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Hoạt động và tăng trưởng tín dụng của TPHCM luôn phản ánh xu hướng và tác động đến tăng trưởng tín dụng chung của cả nước. Do đó, với diễn biến này, theo tôi, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 là 17% hoàn toàn có thể đạt được. 

Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản 

° Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chậm do ngân hàng siết tín dụng trong lĩnh vực bất động sản vì lo ngại rủi ro khi thị trường này tăng trưởng quá nóng thời gian qua? 

° Tăng trưởng tín dụng chậm lại có nguyên nhân do chủ trương kiểm soát tín dụng chặt chẽ của NHNN, trong đó đặc biệt với các lĩnh vực như bất động sản, giao thông, chứng khoán… Nhận thấy rủi ro trong cho vay đầu tư vào bất động sản nên ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN luôn có những cảnh báo và chỉ đạo các ngân hàng thương mại thẩm định lại chặt chẽ và chỉ cho vay đối với những dự án mà chủ đầu tư có năng lực về tài chính, năng lực triển khai dự án. Cùng với đó, ngay từ đầu năm, hệ số rủi ro cho vay bất động sản đã được NHNN nâng từ 150% lên 200% vào đầu năm 2018 và sẽ nâng lên 250% đầu năm 2019. Đồng thời, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn bị siết mạnh từ 60% xuống còn 45% đầu năm nay và còn 40% vào đầu năm 2019 theo quy định của Thông tư 06/2017. Chính vì thế, tính đến đầu tháng 6-2018, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, tín dụng BOT chỉ tăng 2,15%, tín dụng bất động sản tăng 2,19%. 

° Việc kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, đặc biệt là bất động sản tại TPHCM như thế nào, thưa ông?

° Tín dụng bất động sản tại TPHCM hiện chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn (cả nước là 7,8% trong tổng cơ cấu dư nợ). Đây là các tỷ lệ hợp lý và an toàn. Trong tổng dư nợ tín dụng 1,89 triệu tỷ đồng hiện nay, có đến 75% - 78% dành cho sản xuất kinh doanh, 10,8% dành cho lĩnh vực BĐS, 13,2% dành cho chứng khoán và tiêu dùng. Tỷ lệ này cũng đã duy trì từ năm 2016 đến nay trong khi đỉnh điểm năm 2007 - 2008 chiếm đến 31% - 33% tổng tín dụng, tạo ra tín dụng rất nóng và từ đó ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Nợ xấu liên quan đến lĩnh vực này trên địa bàn TPHCM hiện cũng chỉ dao động ở mức từ 2% - 2,5%. 

°  Nếu tính luôn tín dụng bất động sản “ẩn nấp” trong cho vay tiêu dùng, thì tỷ lệ này cao hơn rất nhiều?

° Trong 12,3% tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM có khoảng 38% -  40% cho vay trong lĩnh vực nhà ở. Như vậy, nếu tính luôn cho vay mua bán, sửa chữa nhà trong trong cho vay tiêu dùng thì cho vay bất động sản trên địa bàn TP ở mức 15% - 16%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, bên cạnh việc NHNN liên tục yêu cầu các tổ chức tín dụng hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, còn phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư kinh doanh bất động sản. NHNN cũng đã đưa ra đề án về việc giám sát lại cho vay tiêu dùng, thống kê và tách cho vay bất động sản đang ẩn nấp trong cho vay tiêu dùng để yêu cầu các ngân hàng thương mại phải thực hiện chính sách kiểm soát tín dụng vào bất động sản một cách rốt ráo nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu gia tăng. Hiện chúng tôi cũng đang giám sát kỹ cũng như theo dõi sát diễn biến cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính, đặc biệt là về lãi suất, cho vay nhà ở và cách đòi nợ của các công ty này để có thể đề ra giải pháp phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất về rủi ro cũng như tiêu cực cho thị trường.

Tỷ giá không gây sức ép lên vốn và lãi suất 

°  Mặc dù tăng trưởng tín dụng vẫn tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh nhưng hiện không ít doanh nghiệp (DN) vẫn cho biết khó tiếp cận vốn ngân hàng là do đâu, thưa ông? 

°  Tôi xin khẳng định là ngân hàng không thiếu vốn cho DN, ngay cả khi vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn thường rất lớn. Từ đây đến cuối năm, dư nợ cho vay tại TPHCM còn khoảng 190.000 tỷ đồng và tín dụng sẽ vẫn tập trung vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cho 5 lĩnh vực ưu tiên. Hiện tín dụng tăng trưởng tốt và đến đúng nơi, nợ xấu được kiểm soát rất tốt, phản ánh mối quan hệ tín dụng ngân hàng - khách hàng đang rất thuận lợi. Hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ vốn dành cho DN thông qua các cơ chế về tín dụng, lãi suất và tỷ giá. 

Một số thông tin phản ánh về khó khăn vướng mắc của DN khó tiếp cận vốn ngân hàng thì phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Qua khảo sát, đánh giá, cho thấy nhiều trường hợp nguyên nhân chủ yếu từ phía DN do năng lực tài chính thấp, phương án sản xuất kinh doanh không hiệu quả và đặc biệt năng lực quản trị điều hành, tính minh bạch trong hoạt động tài chính… còn hạn chế, rất khó để ngân hàng xem xét cho vay để đảm bảo hiệu quả. Vì vậy, tôi mong DN cần chia sẻ, cân nhắc và đánh giá đúng vấn đề, bởi lẽ ngân hàng cũng như DN cần tôn trọng triệt để nguyên tắc và kỷ luật thị trường. Chỉ các khó khăn vướng mắc do thủ tục hành chính, do cán bộ tín dụng hoặc vướng về cơ chế chính sách thì chúng ta cùng tập trung giải quyết để hỗ trợ cho DN, những khó khăn thuộc về DN thì DN cũng cần có các giải pháp khắc phục. 

°   Tỷ giá và lãi suất là 2 yếu tố tác động trực tiếp đến vốn vay của DN. Từ nay đến cuối năm, NHNN có chính sách gì để kéo giảm lãi suất cho vay, nhất là trong bối cảnh tỷ giá USD/VND hiện đã tăng hơn 2% so với đầu năm. Liệu các yếu tố này có gây sức ép lên nguồn vốn của DN trong thời gian tới, thưa ông?

°  Lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay đã giảm giảm 0,3% - 0,5% so với năm 2017. Riêng cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên trước đây 7% - 8%/năm nhưng hiện chỉ còn 6,5%/năm. Bên cạnh đó, thanh khoản ngân hàng dồi dào, nợ xấu trên địa bàn TPHCM cũng đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay thêm.

Riêng về yếu tố tỷ giá, từ cuối tháng 6-2018 đến nay, thị trường ngoại hối chịu sức ép rất lớn từ quốc tế và buộc phải nâng tỷ giá USD/VND lên. Theo đánh giá của NHNN, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất khiến đồng USD biến động và diễn biến phức tạp, tác động lên tỷ giá và thị trường vàng. Mặc dù tỷ giá có tăng nhưng không có dấu hiệu căng thẳng. Nhu cầu ngoại tệ của người dân và DN vẫn được đáp ứng đầy đủ. Bên cạnh đó, với nguồn cung ngoại tệ hiện tại từ FDI, kiều hối, xuất khẩu, đặc biệt là dự trữ ngoại hối 63,5 tỷ USD cho phép NHNN có đầy đủ các công cụ để can thiệp vào tỷ giá nên sẽ không gây sức ép lên nguồn vốn cũng như lãi suất cho vay của DN. Từ nay đến cuối năm, FED có thể tăng lãi suất 2 hoặc 3 lần nữa nên tỷ giá USD có thể còn biến động. Tuy nhiên, sự biến động của tỷ giá hiện nay khác hẳn so với các năm trước đây khi cặp vàng - tỷ giá có tác động ảnh hưởng rất lớn mỗi khi vàng biến động. Hiện tỷ giá biến động chủ yếu mang yếu tố thị trường, do đó hoàn toàn trong tầm kiểm soát và điều hành của NHNN. Tuy nhiên, để chủ động với các yếu tố này, phía DN cũng cần chủ động đề phòng bằng nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá thông qua công cụ phái sinh như mua bán kỳ hạn, bảo hiểm tỷ giá… nhằm mang lại lợi ích tối đa cho DN trong bối cảnh tỷ giá biến động. 

°  Cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục