Góp ý dự thảo Luật Tố tụng hành chính:

Tạo bình đẳng giữa người dân và cơ quan công quyền

Trong hai ngày 28 và 29-7, tại TPHCM, Chánh án TAND các tỉnh, thành trong cả nước; các luật sư, chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy về luật đã tham dự hội thảo góp ý dự thảo Luật Tố tụng hành chính do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức.

(SGGP).- Trong hai ngày 28 và 29-7, tại TPHCM, Chánh án TAND các tỉnh, thành trong cả nước; các luật sư, chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy về luật đã tham dự hội thảo góp ý dự thảo Luật Tố tụng hành chính do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức.

7 nội dung được tập trung bàn luận, góp ý tại hội thảo gồm: thẩm quyền tòa án giải quyết đối với khiếu kiện hành chính; điều kiện khởi kiện; thời hiệu khởi kiện; việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm những trường hợp quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có sai lầm nghiêm trọng; thủ tục thi hành bản án, quyết định của tòa án; vai trò của viện kiểm sát trong tố tụng hành chính.

Bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết: “Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích những hạn chế trong quá trình thi hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính 14 năm qua và tìm giải pháp khắc phục. Dự thảo luật lần này tập trung giải quyết những vướng mắc về cơ chế để tạo sự thông thoáng, mở rộng thẩm quyền giải quyết của tòa án, đổi mới mạnh mẽ về thủ tục tố tụng để người dân và cơ quan công quyền cùng bình đẳng trước pháp luật”.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2009 cả nước có hơn 200.000 vụ khiếu kiện hành chính, tuy nhiên mỗi năm tòa án chỉ thụ lý 1.600-1.700 vụ, số vụ đưa ra xét xử rất thấp. Các thẩm phán rất ngại xét xử loại án này và tình trạng hủy án cũng rất nhiều.

A.CHÂN

Tin cùng chuyên mục