
Hiện nay, chỉ so sánh với các nước trong khu vực đã thấy chất lượng lao động của ta cách xa họ về trình độ kỹ thuật, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, tính chuyên nghiệp và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp. Chính những hạn chế này sẽ kiềm hãm sự hội nhập của nền kinh tế nước nhà trên đường đua chung khốc liệt, cạnh tranh gay gắt.

Nghề cơ khí cần tuyển nhiều lao động có trình độ kỹ thuật nhưng khó tìm ứng viên. Ảnh: V.H.
Vì thế để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đòi hỏi chúng ta phải đầu tư cho sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp. Thời gian vừa qua, nhà nước đã quan tâm đầu tư phát triển hệ thống dạy nghề trong cả nước và phấn đấu nâng dần tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề.
Thế nhưng nhìn lại chất lượng đào tạo dạy nghề vẫn chưa bắt kịp nhu cầu sử dụng lao động và đổi mới công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Trong xu thế cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp phải đầu tư đổi mới máy móc, kỹ thuật, công nghệ và đang cần tuyển nhiều lao động có trình độ kỹ thuật tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp cao thì các cơ sở dạy nghề chỉ có thể cung ứng nhân lực thạo lý thuyết hơn thực hành nghề.
Đó là chưa kể nhiều ngành nghề mới ra đời cần tuyển nhiều lao động nhưng các cơ sở dạy nghề, trường nghề lại chậm đổi mới phương pháp, nội dung đào tạo, bổ sung mã ngành nghề để đào tạo cho phù hợp nhu cầu của xã hội. Vì thế, lao động đã qua đào tạo thích ứng với công việc chưa cao, kỹ năng nghề nghiệp yếu.
Trong khi các doanh nghiệp “khát” lao động có tay nghề, kỹ thuật thì lao động nhàn rỗi ở nông thôn, lao động thành thị thất nghiệp còn nhiều. Để tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm ổn định cho thanh niên, nhà nước, các địa phương phải có chiến lược đầu tư cho ngành dạy nghề và nâng chất đội ngũ lao động.
Để khuyến khích thanh niên học nghề, tự trang bị nghề nghiệp trước khi bước vào đời, nhà nước và các địa phương phải dành một khoản ngân sách nhất định cho thanh niên học nghề miễn phí kèm theo học nâng cao trình độ văn hóa. Người lao động có thể chọn cơ sở đào tạo nghề và ngành nghề phù hợp để tham gia học nghề, trang bị nghề nghiệp cho bản thân.
Nếu học hiệu quả, đúng mục tiêu đào tạo nghề đặt ra thì người lao động được nhà nước hỗ trợ một phần học phí hoặc toàn bộ học phí. Đối với những ngành nghề có tính chất truyền thống, đặc thù… mà xã hội đang cần tuyển dụng nhiều nhưng người xin việc không đáp ứng, ngoài việc có chính sách đặc biệt miễn giảm học phí, nên có chính sách hỗ trợ học nghề để người học nghề yên tâm học nghề.
Thời gian vừa qua, một số địa phương đã triển khai chương trình dạy nghề miễn phí cho lao động nghèo nhưng chất lượng thấp vì người học chỉ được học những ngành nghề giản đơn, nhu cầu tuyển dụng thấp, thu nhập không cao nên học xong khó xin việc làm.
Vì thế khó khuyến khích lao động nghèo tham gia học nghề. Một khi cơ hội học nghề mở rộng và phù hợp với nhu cầu của thanh niên thì sẽ khuyến khích họ tham gia học nghề, tự đào tạo nghề. Hiệu quả kép là xã hội sẽ có thêm nguồn lao động có tay nghề kỹ thuật, chất lượng lao động được cải thiện, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa đất nước.
LIÊN VINH