Tạo đà lớn cho hai bên hợp tác chặt chẽ, sâu rộng hơn

Với việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, đến nay Việt Nam đã có 5 Đối tác Chiến lược Toàn diện (Hoa Kỳ là đối tác thứ 5).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden hội đàm chiều 10-9. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden hội đàm chiều 10-9. Ảnh: VIẾT CHUNG

Các Đối tác Chiến lược Toàn diện hiện nay của Việt Nam bao gồm Trung Quốc (nâng cấp quan hệ năm 2008), Nga (nâng cấp năm 2012), Ấn Độ (nâng cấp quan hệ năm 2016), Hàn Quốc (nâng cấp quan hệ năm 2022) và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (2023).

Trên thực tế, có những đối tác khác của Việt Nam cũng có mối quan hệ ngoại giao về bản chất tương đương Đối tác Chiến lược Toàn diện, song có tên gọi khác. Thí dụ vào năm 2014, Việt Nam và Nhật Bản ký kết quan hệ với tên gọi là Đối tác Chiến lược Sâu rộng, dù tên gọi khác song thực chất vẫn có thể xem là quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Về mặt lý thuyết, quan hệ đối tác có những loại hình như: quan hệ Đặc biệt, quan hệ Đối tác Chiến lược và quan hệ Đối tác Toàn diện.

Thứ nhất, là quan hệ Đặc biệt. Quan hệ Đặc biệt là mối quan hệ mật thiết với Việt Nam, gắn bó với quá trình lịch sử lâu dài. Hiện nay, Việt Nam có 3 đối tác quan hệ Đặc biệt là Lào, Cuba và Campuchia.

Thứ hai, là quan hệ Đối tác Chiến lược. Trong quan hệ Đối tác Chiến lược chia làm 3 loại là: Đối tác Chiến lược Toàn diện, Đối tác Chiến lược (không có chữ "Toàn diện") và Đối tác Chiến lược trên một số lĩnh vực.

Thứ ba, quan hệ Đối tác Toàn diện. Mức quan hệ này thấp hơn Đối tác Chiến lược. Đối tác Chiến lược quy mô lớn, hợp tác trên nhiều vấn đề quan trọng, thời gian dài, quan hệ trên nhiều lĩnh vực, sâu rộng.

So với Đối tác Toàn diện, Đối tác Chiến lược Toàn diện có nội hàm rộng hơn, toàn diện hơn, chặt chẽ hơn và dựa trên sự tin tưởng cấp cao sâu sắc hơn. Đối tác Chiến lược Toàn diện cũng cao hơn Đối tác Toàn diện một bậc. Thông thường, để đi từ mối quan hệ Đối tác Toàn diện đến Đối tác Chiến lược Toàn diện, cần phải trải qua một thời gian và qua một "nấc thang" quan hệ nữa là Đối tác Chiến lược. Tuy nhiên, trong việc nâng cấp mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ mới đây, có thể thấy đây là một trường hợp đặc biệt khi cả hai bên đều thống nhất nâng cấp lên mức quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện sau khi đã trải qua quá trình 10 năm là Đối tác Toàn diện của nhau (2013-2023) mà bỏ qua cấp quan hệ Đối tác Chiến lược. Điều này cho thấy hai bên đều có chung nhận thức về tầm mức quan trọng về mối quan hệ của nhau.

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được nâng cấp có cơ sở vững chắc của nó.

Một là, trong đà quan hệ đó có lợi ích song trùng rõ ràng, nếu nhìn lại Đối tác Toàn diện trong 10 năm qua thì thấy rất rõ điều đó: hai bên tăng cường hợp tác về mọi mặt, cả về chính trị, đối ngoại, đầu tư lẫn cả an ninh, quốc phòng, hợp tác quốc tế, khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhất là về kinh tế, tổng giá trị thương mại song phương tăng lên gấp 4 lần trong vòng 10 năm là một dấu ấn tốt, thị trường Hoa Kỳ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam rất lớn và giúp cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam với các nước khác.

Hai là, giữa hai nước có những chỉ đạo, có những khung khổ cụ thể để tăng cường quan hệ, tăng cường hợp tác giữa hai bên, kể cả xử lý những khác biệt về thể chế chính trị - xã hội.

Ba là, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cho thấy dư địa hợp tác còn rất lớn, lần này hai bên đã nói đến nội dung phát triển kinh tế cụ thể và theo chiều sâu, như dựa trên đổi mới sáng tạo, phát triển chuyển đổi số, đặc biệt là nội dung hợp tác cùng nhau để sản xuất chất bán dẫn - yếu tố cực kỳ quan trọng cho động lực phát triển kinh tế dựa trên công nghệ cao mà nhiều nước đang hướng đến.

Từ ba yếu tố trên, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đặt trong mối quan hệ mới là Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ tạo đà rất lớn cho hai bên thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, sâu rộng hơn trên nhiều lĩnh vực trong thời kỳ mới, bao gồm cả về mặt chính trị, kinh tế và các mặt khác.

Cuối cùng, đó là, bây giờ Việt Nam đã có một tư thế mới trong quan hệ đối ngoại của mình. Không chỉ trong hợp tác với Hoa Kỳ, mà trong quan hệ với các nước lớn khác, với các nước trong ASEAN, vị thế của chúng ta đã khác. Việt Nam đã có một tâm thế mới. Cho nên, vấn đề đặt ra là, trong thời gian tới, chúng ta phải phát huy hơn nữa tâm thế này và tranh thủ cơ hội cho phát triển đất nước.

Tin cùng chuyên mục