Tạo điều kiện để thanh niên khởi nghiệp

Làm thế nào để tạo việc làm cho thanh niên? Đó là câu hỏi được đông đảo bạn trẻ quan tâm tại buổi đối thoại trực tuyến được tổ chức ngày 14-3 của Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cùng đại diện các bộ ngành với đoàn viên, thanh niên từ 10 điểm cầu: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Huế, Đắk Lắk, Bắc Ninh, Hòa Bình, Đồng Tháp và 3 điểm cầu ở nước ngoài Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Trước những bức xúc của đoàn viên, thanh niên về vấn đề thiếu việc làm, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho biết, mỗi năm gần có gần 1,6 triệu việc làm mới nhưng con số này chưa đáp ứng nhu cầu của thanh niên. Thống kê của Viện Lao động Khoa học xã hội, hiện có khoảng 15.000 sinh viên không có việc làm. Tỷ lệ khởi nghiệp trong tổng dân số của Việt Nam chỉ khoảng 2,4%, trong khi tỷ lệ trung bình thế giới là 12%. Mặc dù gần đây đã có nhiều đoàn viên thanh niên quan tâm đến khởi nghiệp bằng cách xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp, hoặc mạnh dạn vay vốn thành lập doanh nghiệp, song tâm lý chung của phần lớn thanh niên hiện nay vẫn là tìm cho mình việc làm nào đó sau khi ra trường chứ không chuẩn bị tâm lý khởi nghiệp.

Vậy làm thế nào để thanh niên Việt Nam quan tâm và có điều kiện để khởi nghiệp, không chỉ tạo dựng sự nghiệp cho bản thân mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội? Theo ý kiến của nhiều bạn trẻ gửi đến Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, việc khởi nghiệp của thanh niên hiện đang gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là vốn.

Trước những vấn đề bức xúc của thanh niên, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Trung ương Đoàn đang rốt ráo chuẩn bị đề án về việc làm cho thanh niên và sẽ sớm trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Về nguồn vốn, Trung ương Đoàn đã kiến nghị với Chính phủ tăng định mức cho Quỹ Hỗ trợ việc làm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vì đây là mô hình rất hiệu quả. Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục kiến nghị nhằm tháo gỡ chính sách cho thanh niên cũng như người dân tiếp cận dễ dàng nhất với nguồn vốn vay thương mại khác. Về giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh đề xuất, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn vào trung tâm nghiên cứu thị trường lao động, hàng quý, tổ chức các cuộc họp báo cung cấp nhiều thông tin về thị trường lao động. Đặc biệt, Trung ương Đoàn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình tuyển sinh, cần nghiên cứu thị trường lao động và cung cấp thông tin này tới các trường, để các trường có kế hoạch tuyển sinh hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.


BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục