Báo SGGP ra ngày 14-10 có bài “ĐBSCL: Nông thôn mới - sức bật mới” phản ánh thành công trong mô hình xây dựng nông thôn mới cũng như ý nghĩa to lớn của việc triển khai Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong cả nước. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, nông thôn và lãnh đạo các cơ quan chức năng có trách nhiệm triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, để thực sự tạo bước đột phá cho “tam nông”, cần phải có những cách làm phù hợp hơn.
- Ông HỒ XUÂN HÙNG (Thứ trưởng Bộ NN-PTNT): Thay đổi tư duy của người nông dân
Nghị quyết 26/NQ-TW về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được đề ra năm 2008 tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X, đến nay đã được 2 năm. Mục tiêu của nghị quyết là đến năm 2020, nước ta phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, đảm bảo giao thông thông suốt 4 mùa tới hầu hết các xã và cơ bản có đường ô tô tới các thôn, bản. Đảm bảo cấp điện sinh hoạt cho hầu hết dân cư, các cơ sở công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Đảm bảo cơ bản điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao ở hầu hết các vùng nông thôn... Trong đó, nội dung quan trọng là hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn tăng hơn 2,5 lần so với hiện nay.
Để triển khai nghị quyết trên, hiện nay nhiệm vụ lớn nhất mà Bộ NN-PTNT đang triển khai là mô hình xây dựng nông thôn mới với người nông dân làm trung tâm. Từ khi triển khai nghị quyết, đã có nhiều bước thay đổi quan trọng, đặc biệt là về tư duy xây dựng nông thôn mới. Điều quan trọng trong giai đoạn hiện nay là nông dân phải cùng nhau làm giàu, phát triển kinh tế, không nên mãi duy trì tư duy theo kiểu “lá lành đùm lá rách”. Và để giúp nông dân làm được điều này, để thực hiện thành công chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì cả Bộ NN-PTNT và Hội Nông dân Việt Nam phải cùng vào cuộc, thực hiện tốt trách nhiệm mà Đảng và Chính phủ đã giao.
- Ông NGUYỄN QUỐC CƯỜNG (Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam): Đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông thôn
Bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu, trên đất nước ta đã hình thành nhiều khu công nghiệp, khu đô thị và ngành nghề công nghiệp, dịch vụ nhưng chúng ta vẫn còn trên 73,3% dân cư sống ở nông thôn. Do đó, chăm lo cho nông dân, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn là mối quan tâm hàng đầu, không chỉ có vai trò quyết định đối với ổn định tình hình kinh tế - xã hội, mà còn cung cấp nguyên liệu và nguồn lực cho phát triển công nghiệp, kinh tế xuất khẩu của đất nước, đồng thời đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Triển khai Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chúng ta đang bắt đầu một nhiệm vụ lịch sử mới. Đó là xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn đồng bộ theo quy hoạch, đảm bảo cho sản xuất và đời sống dân sinh như điện, đường giao thông, trường học, trạm xá, trường dạy nghề, thông tin, nước sạch… để đảm bảo xây dựng một nông thôn hiện đại. Đó còn là nhiệm vụ đào tạo nghề cho hàng chục triệu nông dân có trình độ văn hóa, kiến thức khoa học kỹ thuật để làm nghề nông, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… thành người lao động chuyên nghiệp có kỹ thuật, có năng suất cao, có nếp sống văn minh, biết hợp tác văn hóa trong lao động trên cơ sở pháp luật và kinh tế thị trường. Đó là chuyển đổi cơ bản cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lao động trên địa bàn rộng lớn, nơi cư trú của hàng triệu hộ gia đình nông dân từ vùng cao tới đồng bằng, từ miền núi tới hải đảo, ven đô… với mơ ước và quyết tâm biến nông thôn hiện nay thành nông thôn mới. Muốn làm được vậy, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông thôn vì nhiều năm nay, nông nghiệp, nông thôn được đầu tư chưa tương xứng.
- TS ĐẶNG KIM SƠN (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển nông nghiệp, nông thôn): Nông dân cần động lực mới
Để mô hình xây dựng nông thôn mới thành công, cả cơ quan triển khai và người nông dân không thể tư duy theo kiểu dự án được, mà phải tạo động lực cho người nông dân tham gia xây dựng nông thôn, làng quê của mình thành nông thôn mới. Song hiện nay chúng ta lại đang xây dựng nông thôn mới theo kiểu tư duy dự án. Chúng ta cứ nghĩ rằng đầu tư làm điện, đường, trường, trạm thế là xong nông thôn mới. Nếu làm như vậy, người nông dân sẽ thụ động, còn Nhà nước sẽ không thể có đủ tiền để triển khai các mô hình ra diện rộng. Chỉ khi nào người dân tự mình đứng lên, làm chủ vận mệnh của mình, lúc đó chương trình nông thôn mới mới thành công được. Chẳng hạn cách đây hơn 20 năm, khi chúng ta làm khoán 10 trong nông nghiệp, mặc dù nông dân ra khỏi các hợp tác xã, trong tay không có gì nhưng lại được Nhà nước giao làm chủ mảnh đất của mình, từ đó tạo động lực để người nông dân vươn lên, làm giàu. Giờ đây, công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng vậy, Nhà nước phải tạo ra được động lực mới không chỉ cho nông dân mà cả doanh nghiệp, nhà khoa học đầu tư nhiều chất xám, tiền của hơn vào nông nghiệp, nông thôn.
Bốn vấn đề lớn cần đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách “tam nông” là giảm bớt các khoản đóng góp cho người dân, bù ngân sách cho xã nghèo, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thông qua miễn giảm phí sản xuất, cải thiện việc bồi hoàn đất nông nghiệp chuyển sang đất công nghiệp và đô thị. Chỉ cần làm tốt những yêu cầu này, bức tranh nông nghiệp, nông thôn đã thay đổi rõ.
Văn Phúc ghi
Vấn đề mấu chốt hiện nay là hệ thống cơ chế chính sách của Nhà nước đối với “tam nông” chưa đồng bộ, khi nào người nông dân còn tự bơi trong biển cả của thị trường thì không thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn, bấp bênh. Trước nhất, nhận diện vấn đề này là nông dân còn sản xuất cá thể, tự phát. Kiểu làm này đã khiến họ gặp nhiều rủi ro, khi hàng hóa bị ứ đọng không ai mua hoặc phải bán với giá rẻ, khi tìm mua không có hàng; nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật không đồng đều, chưa tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong sản xuất, nên tạo điều kiện cho sâu bệnh xâm nhập đồng ruộng, từ đó họ phải sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, đẩy giá thành sản xuất cao, làm giảm chất lượng sản phẩm; hệ thống tiêu thụ sản phẩm qua thương lái là chính, gần như không có sự liên kết nào giữa nông dân và doanh nghiệp, thiệt thòi chính vẫn là nông dân! Theo tôi, đầu tiên điều cần làm là phải có tư duy mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân tiếp cận khoa học - công nghệ, phương pháp quản lý hiện đại; có những chính sách nông thôn phù hợp. Trước nhất, Nhà nước đầu tư đồng bộ để hình thành các vùng nông thôn kiểu mới. Ở đó, kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển, nông dân có công ăn việc làm, mở rộng thị trường cho nông thôn, nâng cao trình độ quản lý nông thôn; tối thiểu nông dân phải được đào tạo có tay nghề, có kiến thức và kỹ năng đủ để tham gia các hoạt động kinh tế cạnh tranh. Nhất thiết Nhà nước phải có một hệ thống chính sách khuyến khích, theo mô hình liên kết “4 nhà” để hình thành chuỗi giá trị gia tăng cho nông sản, từ khâu liên kết sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm, phân phối ra thị trường. Lúc đó, bức tranh đời sống nông thôn sẽ khởi sắc. M.Trường ghi |
>> Đồng bằng sông Cửu Long: Nông thôn mới - Sức bật mới