Tạo sức bật cánh đồng lớn - Bài 3: Chính sách phải đủ mạnh để tháo “nút thắt”

Để mô hình Cánh đồng lớn (CĐL) được duy trì, mở rộng và mang lại hiệu quả hơn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đủ mạnh để nông dân, doanh nghiệp (DN) tháo gỡ các “nút thắt”. Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Cường.
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Cường

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Cường

PHÓNG VIÊN: Hiện nay, CĐL đang dần thu hẹp diện tích. Đâu là nguyên nhân chính, thưa ông?

Cục trưởng NGUYỄN NHƯ CƯỜNG: Đúng như phản ánh của Báo SGGP, CĐL “không lớn” và đang có xu thế co hẹp trong thời gian gần đây. Nguyên nhân chính là do tiềm lực kinh tế (vốn) của hầu hết DN không mạnh. Để duy trì những CĐL, DN phải có tiềm lực để có thể hỗ trợ “đầu vào” cho nông dân như giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật… Ngoài ra, mối liên kết lỏng lẻo giữa nông dân và DN trên những CĐL còn diễn ra khi thời gian qua, các ràng buộc giữa DN và nông dân chủ yếu dựa vào “niềm tin”, chưa thực sự thông qua các hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự một cách bài bản, chặt chẽ...

Cách nào để các DN như Lộc Trời, Trung An có thể duy trì việc tham gia sản xuất lúa theo mô hình CĐL đến nay?

Trước hết, có thể nói là nhờ họ có tiềm lực về vốn, thứ hai là thông qua những hợp đồng liên kết rất chắc chắn, và quan trọng là họ có những đối tác nhập khẩu ổn định, với giá cao. Nhờ vậy, các DN này mới có thể giữ được liên kết để ký kết các hợp đồng và hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình canh tác của mình. Thậm chí, có DN còn tự đứng ra tổ chức, hình thành các hợp tác xã (HTX) để liên kết.

Như vậy, vốn là nút thắt khiến CĐL bị thu hẹp diện tích, giải pháp nào để tháo gỡ?

Theo tôi, cần phải có một chính sách hỗ trợ đủ mạnh. Chẳng hạn, nếu Nhà nước có một gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường và cơ chế linh hoạt hơn (như cho vay tín dụng thông qua các hợp đồng liên kết giữa DN và HTX) thì DN có thể vay nguồn vốn tín dụng đó để đầu tư sản xuất, ứng trước phân bón, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật… cho bà con để canh tác theo quy trình đặt ra. Đồng thời, DN cũng có đủ tiền để thu mua lúa vào thời vụ thu hoạch.

Hoặc Nhà nước có thể có gói tín dụng hỗ trợ vốn ngắn hạn cho nông dân đầu tư sản xuất (mua phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật…) với điều kiện là nông dân phải thông qua HTX và có hợp đồng liên kết với DN thì mới được hưởng.

Thu hút nông dân vào HTX là cách hiệu quả nhất, rẻ nhất để tập trung đất đai, mở rộng CĐL. Ông đánh giá thế nào về vai trò của các HTX trong thực hiện CĐL thời gian qua?

Để khắc phục 3 “nút thắt” của nông nghiệp Việt Nam là manh mún, nhỏ lẻ và tự phát thì HTX là chìa khóa để mở. Một hộ chỉ có 1ha, nhưng 20 hộ tập hợp lại sẽ có vùng hàng hóa 20ha… Khi tham gia HTX thì nông dân sẽ sản xuất theo một quy trình, kế hoạch thống nhất theo chỉ đạo của HTX. Qua sự tổ chức bài bản, tình trạng tự phát sẽ được khắc phục. Nhưng để HTX mạnh, hiệu quả thì cần phải có năng lực quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm thị trường của người đứng đầu và cần phải có tiềm lực (vốn). Thực tế thời gian qua, vẫn còn nhiều HTX hoạt động không hiệu quả do không hội đủ các yếu tố trên, đây cũng là nguyên nhân chính khiến CĐL chưa được hình thành nhiều và “không lớn” tại một số địa phương.

Nông dân và DN nên hiểu rằng, HTX cũng được coi như một DN. Khi HTX đứng ra ký hợp đồng với DN thì HTX là một tư cách pháp nhân, đây là hợp đồng kinh tế giữa 2 tổ chức, đương nhiên sẽ đảm bảo hơn. Còn DN và nông dân hợp đồng không qua HTX, khi giá lúa biến động, một trong hai bên “bẻ kèo” nhưng không thể chế tài, một bên phải chịu thiệt.

Thu hoạch lúa sản xuất theo mô hình CĐL ở ĐBSCL. Ảnh: TUẤN QUANG

Thu hoạch lúa sản xuất theo mô hình CĐL ở ĐBSCL. Ảnh: TUẤN QUANG

Chủ trương sắp tới của Bộ NN-PTNT về phát triển CĐL như thế nào?

Hiện tại, Bộ NN-PTNT đang được giao xây dựng “Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và tăng trưởng xanh ở ĐBSCL”, sẽ trình Chính phủ trong năm 2023. Đề án này được triển khai trên cơ sở của CĐL với những tiêu chí như vùng liên kết thế nào, điều kiện DN ra sao… Quá trình xây dựng, Bộ NN-PTNT đã tham gia điều tra đánh giá, xác định để xây dựng được vấn đề liên kết, nâng cao giá trị của sản xuất lúa gạo Việt Nam, tập trung giải đáp được những câu hỏi như DN cần gì, nông dân cần gì? Tất nhiên nội dung đề án còn phải xin ý kiến của các bộ ngành, song đề xuất của Bộ NN-PTNT là Nhà nước nên có chính sách, gói hỗ trợ nông dân và trung tâm, đầu tàu là DN.

Ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT: CĐL không phải là những mảnh ghép cơ học

Để CĐL được duy trì, mở rộng và mang lại hiệu quả lớn hơn, cần có những cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với đặc điểm vùng miền đa dạng và nhất quán quan điểm “chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”.

CĐL không chỉ là mảnh ghép cơ học từ những thửa ruộng nhỏ vì nếu như thế thì vẫn là tư duy sản xuất để gia tăng sản lượng mà chưa thể chuyển đến mục tiêu cao hơn của ngành hàng lúa gạo là gia tăng giá trị. Để tích hợp mục tiêu kinh tế nông nghiệp trên những CĐL, chuỗi giá trị phải được hình thành song song với tiến trình mở rộng CĐL. Trong đó, vai trò của kinh tế tập thể, nhất là các HTX nông nghiệp, là một “mắt xích” quan trọng để liên kết với DN. HTX đủ mạnh sẽ tham gia tích cực vào chuỗi giá trị ngành hàng cùng với DN. DN rất khó liên kết cùng lúc với hàng trăm nông hộ trong một CĐL, mà cần liên kết với những người đại diện thực thụ, có pháp nhân. Đó là những HTX kiểu mới, được dẫn dắt bởi những người chịu khó học hỏi, chịu khó tìm tòi, có đủ kiến thức thị trường, có kỹ năng quan hệ với DN.

Ông TRẦN THÁI NGHIÊM, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ: Nên cho nông dân, DN vay vốn ngắn hạn

Đặc điểm của sản xuất lúa theo mô hình CĐL là gieo sạ đồng loạt, thu hoạch cùng lúc. Do đó, DN thường gặp khó khăn vào thời điểm thu hoạch, vì họ cần một lượng tiền lớn để trả tiền mua lúa cho nông dân. Ở Cần Thơ hiện có 40 DN xuất khẩu gạo, năm 2022 xuất được 900.000 tấn. Tính toán cho thấy, bình quân mỗi DN cần khoảng 120 tỷ đồng để trả tiền thu mua lúa cho nông dân tại thời điểm thu hoạch, chưa tính các khoản chi phí khác (thuê nhân công, ghe xuồng vận chuyển lúa, sấy, xay xát…). Với số tiền lớn như vậy, DN rất khó xoay xở trong thời gian ngắn, khoảng 4-5 ngày. Do đó, để gỡ khó khăn về vốn, Ngân hàng Nhà nước cần làm việc với các ngân hàng thương mại, có chủ trương hỗ trợ DN bằng cách cho vay vốn ngắn hạn (từ 3-5 tháng), hoặc thế chấp bằng hợp đồng thu mua lúa, kho lúa theo định giá.

Anh hùng lao động HUỲNH VĂN THÒN, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời: Phải hình thành hợp tác xã

Trong sản xuất lúa theo mô hình CĐL, HTX nông nghiệp có vai trò rất lớn. Đây là “mắt xích” quan trọng để liên kết nông dân với DN. HTX càng mạnh sẽ càng tham gia tích cực vào chuỗi giá trị ngành hàng cùng với DN. Thời gian qua, tại nhiều nơi, do HTX chưa được hình thành dẫn đến việc liên kết giữa nông dân với DN còn lỏng lẻo. Để khắc phục hạn chế này, theo tôi, địa phương phải giúp nông dân định hình được hình thức hợp tác sản xuất, hình thành nên các HTX.

Ông THÁI VĂN CẦN, nông dân tại huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp: Lai tạo giống mới phù hợp thổ nhưỡng

Địa phương cần liên kết các trung tâm, viện nghiên cứu thường xuyên lai tạo các giống lúa mới phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng. Vì thực tế sản xuất cho thấy, có giống lúa trồng ở vùng này cho năng suất và chất lượng rất cao, nhưng nơi khác thì lại thấp. Đồng thời phải thường xuyên tập huấn, cập nhật kỹ thuật mới để nông dân nâng cao trình độ, năng lực sản xuất (có thể mỗi vụ tập huấn một lần). Cùng với đó, ngành nông nghiệp phải liên kết các đơn vị chức năng để nhận định, dự báo cung cầu, giúp nông dân, DN chủ động hơn kế hoạch sản xuất.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục