Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết 10 năm công tác đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp (2001 - 2010) và 5 năm (2006 - 2010) triển khai thực hiện thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN), hiện nay, nhiều đơn vị, bộ ngành đã và đang tích cực chuẩn bị các nội dung báo cáo, đánh giá quá trình tái cấu trúc và phân tích hiệu quả hoạt động đổi mới doanh nghiệp để báo cáo trình Chính phủ. Thông tin từ các hội nghị, hội thảo khoa học… đã phản ánh về tính hiệu quả cũng như những bài học kinh nghiệm cho quá trình phát triển mô hình TĐKTNN trong thời gian tới.
Phát triển chưa vững
Tính đến thời điểm hiện tại, nước ta có khoảng 12 TĐKTNN, đây là những tổng công ty (TCT) và công ty lớn (còn gọi là TCT 90, 91) thí điểm xây dựng theo mô hình tập đoàn từ 5 - 6 năm nay. Những tập đoàn này nằm trong diện được nhà nước đầu tư lớn, với nhiều ưu đãi, có hệ thống tổ chức công ty mẹ - công ty con.
Qua 5 năm hoạt động, có thể khẳng định sự ra đời của các TĐKTNN ở nước ta là cần thiết trong tiến trình đổi mới kinh tế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động và tích cực đẩy mạnh hội nhập, đặc biệt hội nhập kinh tế thế giới...
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các TĐKTNN chưa cao. Mô hình TĐKTNN ở nước ta theo các chuyên gia vẫn đang ở trong thời kỳ quá độ chuyển đổi mô hình nên nhiều điều còn mới mẻ, phát triển chưa vững chắc.
Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp ngày 15-2-2011 cho thấy, quy mô vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được xác định là 540.701 tỷ đồng, tăng 11,75% so với năm 2009. Trong khi đó, tổng lợi nhuận trước thuế là 70.778 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt khoảng 13,1%, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng thương mại trong năm vừa qua.
Đặc biệt, có đến 80% tổng số lợi nhuận trước thuế đến từ 4 tập đoàn: dầu khí, viễn thông quân đội, bưu chính viễn thông và cao su. Như vậy, ở các tập đoàn, TCT còn lại, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu còn thấp hơn nữa.
Bài học kinh nghiệm
Tại hội thảo “Thực trạng hoạt động của các TĐKTNN ở Việt Nam và định hướng phát triển” do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng trung ương tổ chức vừa qua, nhiều nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của mô hình TĐKTNN, đồng thời nêu bật những bài học kinh nghiệm cho quá trình phát triển mô hình TĐKTNN trong thời gian tới.
Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương, sự cố Vinashin là bài học về buông lỏng quản lý; kiểm tra, giám sát không đến nơi đến chốn; chế độ báo cáo tài chính không minh bạch; lãi giả lỗ thật vì chạy theo thành tích, trốn thuế và tham nhũng... Vì vậy, mô hình phát triển được lựa chọn cho các TĐKTNN được xác lập trong 5 - 10 năm tới là phải xây dựng các mô hình TĐKTNN mạnh, đa sở hữu, đúng nghĩa là át chủ bài, quả đấm thép, với vai trò chủ lực trong nền kinh tế.
Theo đó, nhà nước khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài, đầu tư thêm vào TĐKTNN, tất nhiên nhà nước vẫn giữ vai trò chi phối. Vấn đề làm thế nào để hấp dẫn được các thành phần khác bằng lợi ích kinh tế, và như vậy cũng đòi hỏi TĐKTNN phải được vận hành theo đúng quy luật kinh tế.
Điều khó nhất là phải phân biệt được quyền của nhà nước, của Chính phủ với quyền chủ động sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Bởi một tập đoàn muốn phát triển phải trong một điều kiện thuận lợi, không chịu những áp lực hành chính, chưa kể những áp lực dư luận xã hội luôn đặt lên vai họ.
Do vậy, chiến lược phát triển của tập đoàn chỉ có thể thành công khi có một bước tiến thực sự về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, văn hóa doanh nghiệp được chú trọng, nguồn nhân lực được cải thiện về trình độ và chất lượng. Đây là một bước đường gian nan, không thể không phòng ngừa sự biến tướng từ các nhóm lợi ích khiến một số người được giao nắm trong tay những tài sản lớn của quốc gia mà cố tình quên đi hoặc xao lãng trách nhiệm xã hội, làm tổn thương nền kinh tế và cản trở sự phát triển của đất nước.
* Quan niệm về mô hình tập đoàn, theo các chuyên gia là yêu cầu thiết kế các phương án lựa chọn để thực thi trong thực tiễn với những giải pháp, những điều kiện đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của tập đoàn, của nền kinh tế nhà nước nói chung. Nó liên quan đến nhận thức vấn đề tái cấu trúc, tổ chức lại cơ cấu, trong đó có cơ cấu ngành nghề, sự phát triển kinh tế tư nhân, sự tham dự của các tập đoàn kinh tế tư nhân vào tập đoàn kinh tế nhà nước, những mối liên kết hợp tác, phát triển mở rộng tập đoàn trong nước và trên thế giới, các vấn đề tổ chức cán bộ, chính sách tạo động lực, vượt qua các điểm nghẽn của phát triển mà chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng nêu ra, cần phải được vận dụng thích hợp vào các tập đoàn. |
Nguyễn Thu Tuyết