Báo ĐTTC số ra ngày 1-10-2007 có đăng ý kiến “Phát triển các tập đoàn là cần thiết” của tác giả Xuân Lan (trang 5). Chúng tôi cũng đồng ý quan điểm của tác giả, tuy nhiên xin được đóng góp thêm.
Trước tiên cần khẳng định rằng việc liên kết, hình thành tập đoàn kinh tế về thực chất là để tăng sức mạnh cạnh tranh trong hội nhập, kể cả khu vực kinh tế nhà nước lẫn tư nhân. Tuy nhiên hiện nay, ngoài một số doanh nghiệp nhà nước lớn đang được thí điểm chuyển sang mô hình tập đoàn thì các doanh nghiệp tư nhân với những tên gọi và mô hình hoạt động theo kiểu tập đoàn vẫn chưa được thừa nhận do môi trường pháp lý chưa đầy đủ.
Hiện có khá nhiều doanh nghiệp với tên gọi tập đoàn đã xuất hiện như Hòa Phát, Vincom, FPT, Kinh Đô, Hoàng Anh Gia Lai… Các tập đoàn này đều có vốn góp, cổ phần chi phối lẫn nhau ở các công ty con, công ty liên kết, ngân hàng, đối tác chiến lược trong và ngoài nước với hàng ngàn cổ đông. Thế nhưng, các tập đoàn kinh tế này đều được gọi một cách tự phát, lộn xộn, chưa theo một nguyên tắc thống nhất nào và phần lớn là do doanh nghiệp “tự phong”.
Chúng tôi đặc biệt băn khoăn về mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước có vai trò của công ty tài chính, ngân hàng, sẽ tồn tại như thế nào trong hoạt động của tập đoàn. Còn đối với tập đoàn kinh tế tư nhân là vấn đề khá nhạy cảm. nếu không quản lý tốt sẽ là một “thảm họa”, vì việc tự xưng tập đoàn trong xu hướng hiện nay chỉ là một cách đánh bóng tên tuổi, giải quyết khâu “oai”, bởi thực chất của tập đoàn là sở hữu chéo của nhau.
Hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa chính thống về tập đoàn ở nước ta. Gần đây hầu hết các tổng công ty 90 và 91 của Việt Nam đã được Chính phủ ra quyết định để trở thành các tập đoàn nhưng đó chỉ là sự đổi tên, còn bản chất hầu như chẳng có thay đổi đáng kể!
Tổng giám đốc một ngân hàng đã phân tích: Tại sao phải thành lập tập đoàn? Để hỗ trợ, gắn kết, bổ sung cho nhau phải có mục tiêu chung. Tập đoàn làm cái gì, chọn cái gì là lĩnh vực xương sống, mũi nhọn? Hiện nay, nhiều tập đoàn đang chạy đua vào một số lĩnh vực mới như bất động sản, ngân hàng, tài chính...
Tập đoàn nào cũng có phương án phát triển na ná nhau, cũng đua nhau đầu tư vào những lĩnh vực mới mà ít chú trọng đến những thế mạnh riêng của mình. Vì vậy cần phải có những quy định, tiêu chí cụ thể về thành lập tập đoàn để doanh nghiệp nào hội đủ điều kiện thì đăng ký thành lập tập đoàn.
Thực tế hiện nay, chúng ta đã có nhiều doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp mạnh, tích hợp, liên kết các thế mạnh để hoạt động dưới một bộ máy điều hành chung, một thương hiệu chung tạo ra sự phát triển vượt bậc. Đây chính là sự liên kết, hình thành mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân, tiêu biểu như FPT, Đồng Tâm, Kinh Đô, Hòa Phát…
Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, những mô hình mới đang gặp phải nhiều khó khăn và đặt ra hàng loạt các quan hệ đa dạng cần có chế định. Về pháp lý, mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân chưa được thừa nhận nên các tập đoàn này buộc phải mang cái tên không chính danh: CTCP tập đoàn hoặc công ty TNHH tập đoàn. Vì thế, theo chúng tôi biết có những doanh nghiệp tư nhân mang danh tập đoàn kinh tế nhưng lại sinh hoạt trong “Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Điều mà chúng tôi lo ngại nữa là bên cạnh việc giải quyết khâu “oai”, phải chăng nhiều doanh nghiệp muốn xưng là tập đoàn kinh tế để trốn tránh trách nhiệm pháp lý? Vì tập đoàn kinh tế không là pháp nhân, nhưng danh xưng này có thể khiến người dân hiểu nhầm.
Đơn cử có những doanh nghiệp bình thường nhưng lại xưng là tập đoàn kinh tế để kích giá cổ phiếu tăng. Nếu đơn vị này hoạt động tiêu cực, chỉ nhằm mục tiêu thu chênh lệch giá cổ phiếu cao, gây tổn thất cho nhà đầu tư thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Hằng Thanh – Võ Thành
(Hà Nội)