So với một số giải lớn khác, con đường vào vòng 2 ở Copa America tương đối dễ thở hơn khá nhiều khi có đến 8 suất cho tứ kết dù chỉ có 12 đội tham dự. Vì lẽ đó, không có mặt ở vòng kế tiếp luôn được xem là thất bại nặng nề. Nhưng ở giải lần này, tất cả chưa hẳn là màu đen cho những đội bị loại sớm.

Arce (17), tiền đạo đầy triển vọng của bóng đá Bolivia.
Chẳng hạn, trường hợp của Bolivia. So với Uruguay nhạt nhẽo (chỉ ghi 1 bàn sau 3 trận), lối chơi của Bolivia sống động hơn và chiến thuật cũng rõ ràng hơn. Các tiền đạo của Bolivia hoạt động rộng, chịu khó dạt ra 2 biên, trong khi tuyến giữa thi đấu chặt chẽ. Nhờ sự di chuyển tích cực, các cầu thủ Bolivia có được nhiều lựa chọn mỗi lần có bóng và khi dâng cao, các hậu vệ cánh thường bật tường rất ăn ý với các tiền vệ hay tiền đạo ở hành lang họ án ngữ. Nhờ vậy, họ tạo được những đợt tấn công có nét. Ở tuổi 33, tiền đạo Moreno vẫn thể hiện lối chơi mạnh mẽ và đóng góp 2 bàn thắng khá đẹp mắt. Không chỉ giúp lão tướng Moreno “hồi sinh”, HLV Erwin Sanchez còn giới thiệu 2 gương mặt trẻ đầy triển vọng: tiền vệ công Campos và tiền đạo Arce.
Trong khi hàng công của Bolivia cho thấy tiềm năng thì ở hàng thủ, họ vẫn cần những hậu vệ giỏi không chiến. Những bàn thua của Bolivia ở các trận gặp Uruguay và Peru đều xuất phát từ những tình huống bóng bổng cũng như các hậu vệ thường lúng túng trước những quả tạt của đối phương.
Nếu Bolivia cảm thấy an ủi với 2 trận hòa thì ở bảng B, Ecuador hẳn đang vò đầu bứt tóc vì không hiểu tại sao họ phải ra về với hai bàn tay trắng. Trong cả 3 trận, Ecuador đều có những thời điểm thi đấu rất hay, thậm chí còn lấn lướt đối thủ, nhất là ở trận gặp Chile. Khả năng chơi bóng của họ không kém gì giai đoạn lọt vào vòng hai World Cup 2006. Thất vọng vì bị loại quá sớm nhưng ít ra HLV Luis Fernando Suaez đạt được mục tiêu: trẻ hóa đội hình. Việc vắng mặt cây ghi bàn hàng đầu Delgado là mất mát không nhỏ nhưng tiền đạo trẻ Benitez cho thấy nhiều hứa hẹn. Anh này sút tốt cả 2 chân và đánh đầu khá giỏi (ghi bàn vào lưới Chile). Jorge Guagua, người thay thế trung vệ kỳ cựu Hurtado, đã chơi khá hay và Ecuador cũng cho thấy sức mạnh chiều sâu khi có thể đưa ra được 2 đội hình.
Colombia đã không đáp ứng mong đợi trước giải khi bị loại ngay ở vòng 1. HLV Jorge Luis Pinto cố rũ bóng ma của lối chơi bóng dựa vào kỹ thuật cá nhân và những đường chuyền ngắn để chuyển sang lối đá trực tiếp mang phong cách châu Âu. Nhưng cuộc thử nghiệm không thành công, nhất là cách bố trí 2 tiền vệ phòng ngự, hai tiền vệ sáng tạo của họ thường gặp khó khăn trước những hàng tiền vệ 5 người của Paraguay và của cả tuyển Mỹ. Có lẽ sau thất bại lần này, cuộc tìm kiếm “sự định hình” phù hợp cho tuyển Colombia sẽ tiếp tục nhưng nếu quay lại với lối chơi của những năm đầu thập niên 90, mọi chuyện có lẽ sẽ còn tồi tệ hơn.
Cùng với Ecuador, tuyển Mỹ cũng rời giải trắng tay nhưng với đội hình gồm nhiều cầu thủ trẻ và vô danh, thất bại không hẳn là bất ngờ. Tuy nhiên, cái được cũng không ít như giờ đây, HLV Bob Bradsley có thể bổ sung vào đội hình chính những đôi chân đầy triển vọng như: Benny Feilhaber, Justin Mapp, Ricardo Clark và một Eddie Jonson mạnh mẽ. Thất bại hôm nay sẽ là bài học quý giá cho tương lai. Dường như cả 4 đội về sớm: Mỹ, Bolivia, Colombia và Ecuador đang chiêm nghiệm triết lý đó…
Ngọc Quân
THÔNG TIN...
CẦU THỦ CHILE QUẬY PHÁ TRONG KHÁCH SẠN
HLV Nelson Acosta của Chile hôm qua đã cố gắng làm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của scandal mới đây khi cánh báo chí cho rằng các cầu thủ Chile liên quan đến một sự cố nhơ nhớp trong khách sạn. Ông Acosta cho biết vẫn đang điều tra sự việc này, nhưng cho rằng báo chí Chile đã thổi phồng sự việc.
Giới truyền thông Chile cho hay, một ngày sau trận hòa 0-0 với Mexico để giành quyền vào tứ kết, các cầu thủ đã nhậu xỉn và quậy phá trong khách sạn. Nhưng Nelson Acosta nói: “Lời kể của các nhà quản lý khiến tôi tin là có một sự cố nghiêm trọng… và thái độ của các cầu thủ là không tốt”. Nhưng khi “tôi nói chuyện với các cầu thủ thì biết được một câu chuyện khác”.
“Trong buổi tập, tôi đã dò hỏi cầu thủ và tất cả đều phủ nhận những gì báo chí loan tin, dù họ thừa nhận là có hiện diện ở đấy. Trông có vẻ như đấy là một sai lầm của cầu thủ nhưng chẳng giống gì với điều mọi người bàn tán. Dĩ nhiên là cần có những bằng chứng để xác minh sự việc khi những lời khai của người trong cuộc đối lập nhau. Tôi đã yêu cầu các nhà quản lý trưng ra một số bằng chứng, có thể là từ các camera bảo vệ hay máy thu hình, và tôi sẽ tiếp tục điều tra vụ này”.
Năm ngoái, Chile từng gặp rắc rối trong chuyến giao hữu gặp Ailen, tiền vệ Mark Gonzalez và tiền đạo Reinaldo Navia đã bị đuổi về nhà vì lý do vô kỷ luật. Dù sao thì sự cố mới đây cũng ảnh hưởng không ít đến tinh thần của cầu thủ Chile trước trận gặp Brazil.
THỦ THÀNH COLOMBIA CÂN NHẮC TƯƠNG LAI
Thủ thành Miguel Calero đang xem xét việc giã từ đội tuyển Colombia sau Copa America. Calero đã để lọt 9 bàn trong 2 trận ở vòng bảng gặp Paraguay và Argentina, nên không hứng thú tham gia trận cuối gặp tuyển Mỹ. Anh nói với nhật báo El Pais khi Colombia chuẩn bị rời khỏi Venezuela: “Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Tôi không hối tiếc những gì mình đã làm mà chỉ cảm thấy đã đến lúc rút lui để giúp những người mới đứng vào vị trí của mình. Hy vọng là họ có thể truyền nguồn cảm hứng cho đội trong vòng loại World Cup sắp tới”.
Tôi đã thực sự thảo luận với gia đình mình và họ là một trong những lý do khiến tôi quyết định bước ra ngoài cuộc chơi. Tôi đã gánh vác trọng trách quốc gia 4-5 năm và tôi muốn dành nhiều thời gian cho gia đình trong phần còn lại của đời mình.
Đội bóng của HLV Jorge Luis Pinto đã bị chỉ trích vì thất bại ở Venezuela, nhưng Calero quả quyết là anh cùng những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm khác lẽ ra đã không bị chụp mũ: “Những gì xảy ra là hoàn toàn bình thường, nhưng cá nhân tôi không cảm thấy mình là người duy nhất chịu trách nhiệm sau thất bại bởi vì ai cũng biết tính chuyên nghiệp của tôi. Chúng tôi chỉ muốn cống hiến cho đội tuyển kinh nghiệm thu lượm được ở nước ngoài và chúng tôi luôn chơi hết sức mình”.
THANH NHƯ