Tàu cá Trung Quốc thường xuyên xâm phạm EEZ các nước

Nga nhiều lần cảnh báo Trung Quốc
Tàu cá Trung Quốc thường xuyên xâm phạm EEZ các nước

Việc Nga chuẩn bị khởi tố hình sự thuyền trưởng của 2 tàu đánh cá Trung Quốc mà họ đã bắt giữ khi 2 tàu này cùng một đội gồm 40 tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nga cho thấy Mátxcơva quyết cứng rắn trong vấn đề này.

Tàu tuần duyên Dzerzhinsky trên đường làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải của Nga.

Tàu tuần duyên Dzerzhinsky trên đường làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải của Nga.

Nga nhiều lần cảnh báo Trung Quốc

Theo RIA Novosti, Cục Biên phòng Đông Bắc thuộc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) đã hoàn tất thủ tục khởi tố hình sự đối với thuyền trưởng của hai tàu đánh cá lậu (Lỗ Vinh Ngư 80117 và Triết Đài Ngư 8695) đến từ Trung Quốc. Mức phạt tối đa cho hành vi trên là 2 năm tù cho mỗi người. Hai tàu đánh cá trên bị bắt giữ ngày 15 và 16-7 vì đã xâm phạm EEZ ở khu vực Viễn Đông của Nga với lần lượt 22,5 và 40 tấn mực trên 2 tàu.

Tờ Hoàn cầu nhật báo của Trung Quốc ngày 18-7 đã có bài xã luận “Nga bắn vào tàu dân sự Trung Quốc là điều không thể chấp nhận” với lập luận cho rằng, trong vùng biển có tranh chấp về quyền đánh bắt cá xảy ra thường xuyên như vùng biển xảy ra vụ việc trên thì hành vi bắn vào tàu tuần tra là hiếm gặp. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng điều vô lý cơ bản trong lập luận trên là khu vực này thuộc EEZ của Nga (tàu của các nước chỉ được phép tự do hàng hải chứ không được khai thác tài nguyên theo quy định của Công ước LHQ về luật biển năm 1982). Hành vi tàu cá Trung Quốc xâm phạm EEZ của nước khác là khá phổ biến. Tháng 6 vừa qua, cảnh sát biển Incheon của Hàn Quốc đã bắt giữ 4 tàu cá Trung Quốc và ngay sau đó Tòa án Cheju đã mở phiên xét xử những ngư dân trên. Báo Zavtra (Ngày mai) của Nga cho biết, hành vi xâm phạm của tàu đánh cá Trung Quốc là hoạt động được lên kế hoạch và lặp lại liên tục. Từ năm 2011, lực lượng bảo vệ bờ biển Nga đã liên tục đề cập đến vấn đề trên và kêu gọi Trung Quốc từ bỏ hành vi sai phạm của mình. Tháng 8-2011, phía Nga đã thống kê hàng trăm tàu đánh cá lớn nhỏ của Trung Quốc có mặt trên vùng biển Nhật Bản thuộc EEZ của Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc phớt lờ.

Tờ Philipppine Star của Philippines dẫn lời Thượng nghị sĩ Philippines Miriam Defensor Santiago nói rằng, lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines nên học theo thái độ cứng rắn của Nga đối với những hành vi vi phạm vùng EEZ của mình. Ông cũng kêu gọi các quốc gia đồng minh của Philippines cung cấp cho nước này máy bay, trực thăng quan sát tầm xa để kiểm soát nếu có bất cứ tàu lạ nào vi phạm vùng EEZ của mình.

Nguồn lợi hấp dẫn

Theo Zavtra, Đại sứ quán của CHDCND Triều Tiên tại Nga đã khẩn thiết kêu gọi lực lượng an ninh biển của Nga yêu cầu ngư dân Nga hỗ trợ ngư dân Triều Tiên trước tình trạng Trung Quốc xâm phạm EEZ của Triều Tiên. Triều Tiên cho biết, trong suốt 21 năm qua, nước này vì muốn thu hút đầu tư của Trung Quốc thông qua khu vực kinh tế - mậu dịch tự do Rajin-Sonbong của Triều Tiên - Trung Quốc nên đã để cho Trung Quốc tự do hoạt động ở hai cảng Rajin và Sonbong. Không chỉ hợp tác kinh tế, Trung Quốc còn bố trí quân đội ở khu vực duyên hải của Triều Tiên ở biển Nhật Bản. Báo Zavtra cho biết kể từ khi Trung Quốc gia tăng đánh bắt cá dọc bờ biển Triều Tiên trong vùng biển Nhật Bản, số lượng mực trong vùng biển này đã giảm đáng kể.

Tháng 8 sắp tới ở khu vực Viễn Đông của Nga là vào mùa đánh bắt cá lấy trứng, đặc biệt là tại hai khu vực Chukotka và Sakhalin. Hiện nguồn lợi thủy sản với đa dạng các loài cá có giá trị cao trên thị trường và hoạt động của ngư dân tại các khu vực đánh bắt cá được đặt dưới sự quản lý của lực lượng bảo vệ bờ biển của Hải quân Nga. Điều này cũng cho thấy nguồn lợi thủy sản khu vực này là vô giá.

Trả lời phỏng vấn của AP, Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia từng nhận định về 7 vấn đề lớn tồn tại trong khu vực biển Đông, trong đó, ông cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tàu đánh cá Trung Quốc thời gian gần đây thường có động thái ngang nhiên xâm phạm EEZ của các nước là do nguồn thủy sản gần bờ Trung Quốc gần như bị vắt kiệt. Ngư dân địa phương được khuyến khích mở rộng địa bàn trên các vùng biển khác để tìm nguồn lợi.

Như Quỳnh (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục