Lần đầu tiên xem show truyền hình Taxi may mắn chiếu trên HTV7 lúc 20 giờ 30 tối thứ sáu, tôi thật sự thích thú với trò chơi trí tuệ này bởi chương trình đã mang đến niềm vui bất ngờ cho nhiều hành khách đi taxi và có sức hấp dẫn thu hút khán giả xem truyền hình.
Thế nhưng khi chứng kiến hình ảnh hai thanh niên khỏe mạnh (là khách đi trên xe trở thành người chơi) nói cười hồ hởi, yên vị trên chiếc taxi đóng kín cửa (do diễn viên Hiếu Hiền lái) đỗ xịch lại bên vệ đường và họ chỉ quay kính xuống rồi thò tay ra ngoài vẫy gọi í ới một khách bộ hành khiến người đàn ông luống tuổi nọ phải giật mình, lưỡng lự dừng chân, thắc thỏm bước xuống lòng đường từ từ tiến đến bên chiếc taxi để cho hai thanh niên kia đưa ra câu hỏi nhờ giải đáp trợ giúp thì quả thật là chướng tai gai mắt!
Khi show truyền hình kết thúc, điều khuất tất đọng lại trong tôi là cách ứng xử quá thiếu lịch sự diễn ra nơi công cộng được truyền tải đến hàng triệu lượt khán giả xem truyền hình, trong đó có không ít trẻ em đang độ tuổi “học ăn, học nói…”.
Chung quy nhận xét, hành vi giao tiếp của hai thanh niên “may mắn” kia là kém văn hóa. Tôi đã thầm chê bai, trách cứ họ nhiều lắm. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thì được biết đây là kịch bản mà thôi. Show truyền hình Taxi may mắn - phiên bản Việt Nam được mua bản quyền từ chương trình truyền hình thực tế Cash Cab xuất xứ từ Anh.
Trong 5 năm qua, Cash Cab đã được 39 quốc gia mua bản quyền sản xuất. Luật chơi của chương trình khá đơn giản: Một chiếc Taxi may mắn (có một không hai) rong ruổi trên đường và đón khách bất kỳ. Nếu hành khách nào trở thành người may mắn được mời tham gia show truyền hình thì trong suốt quãng hành trình chỉ cần trả lời đúng từng câu hỏi do chương trình đưa ra ắt sẽ tích lũy được điểm thưởng và kết thúc mỗi cuộc chơi là quy đổi thành tiền thưởng. Luật chơi có hai quyền trợ giúp, đó là gọi điện thoại cho người thân và… ngồi yên trên xe chỉ được quay kính xuống để hỏi người đi đường(!) khi người chơi bị “bí”. Điều luật cắc cớ trên vô hình trung đã gây khó chịu cho những người có lòng tự trọng khi tham gia bởi lẽ họ không thể tự biến mình thành người mất lịch sự trong giao tiếp cộng đồng.
Thiết nghĩ, chương trình Cash Cab có thể hay ở xứ người nhưng với việc những thanh thiếu niên khỏe mạnh mà cứ ngồi trên taxi đóng cửa rồi thò tay ra ngoài vẫy gọi khách đi đường đến để hỏi han thì liệu có gây được thiện cảm đối với người trợ giúp nhằm đạt hiệu quả cao cho mục đích mua vui? Và taxi dừng đỗ lại trên đường phố đông người dễ gây ùn tắc giao thông, xe qua lại như mắc cửi như thế để thực hiện quyền trợ giúp trong chương trình truyền hình thực tế thì có trái với quy tắc an toàn giao thông hay không? Tổ chức chương trình vui chơi nhưng làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng, chưa kể hành vi giao tiếp mang dáng dấp “trịch thượng”, ảnh hưởng xấu đến nếp sống văn minh đô thị thì liệu có phù hợp với phong tục tập quán và luật lệ ở Việt Nam?
Lệ Hoa (TP Biên Hòa)