Sau khi chính phủ Tây Ban Nha công bố những biện pháp thắt chặt chi tiêu khắc khổ nhất từ trước đến nay, làn sóng người biểu tình phản đối những biện pháp này đã lan rộng và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng ở châu Âu đã trở thành bình thường nhưng là bất thường ở Tây Ban Nha.
Cứu trợ ngân hàng
Những cuộc biểu tình lớn đã nổ ra vào cuối tuần qua tại thủ đô Madrid thu hút hàng ngàn người tham gia, đa số là nhân viên trong các cơ quan làm công ăn lương chính phủ. Người biểu tình tuần hành tới văn phòng các chính khách, trong đó có văn phòng Thủ tướng Marian Rajoy. Họ phẫn nộ về kế hoạch thắt lưng buộc bụng của chính phủ trị giá 56,4 tỷ EUR bao gồm quyết định tăng mạnh thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 18% lên 21% mà trước đó ông Rajoy đã hứa sẽ không thực hiện.
Việc tăng thuế sẽ làm tăng giá điện sản xuất và sinh hoạt mà các nghiệp đoàn lao động gọi là “cú sốc cuối cùng” cho đất nước nơi cứ 4 người đã có một người thất nghiệp. Kế hoạch này còn bao gồm tái cơ cấu khu vực hành chính công để tiết kiệm 3,5 tỷ EUR, cắt giảm phúc lợi xã hội của những người mới thất nghiệp từ 70% xuống còn 50% lương cơ bản, cắt giảm tiền thưởng của các chuyên viên cao cấp…
Đầu tuần trước, cuộc biểu tình của công nhân mỏ đã biến thành vụ bạo động khiến 43 công nhân và 33 cảnh sát bị thương. Họ phản đối việc cắt giảm 64% trợ cấp chính phủ cho ngành khai khoáng trong năm nay từ 301 triệu EUR xuống 111 triệu EUR. Quyết định này ảnh hưởng đến công ăn việc làm của 8.000 công nhân mỏ và 22.000 lao động khác tại những khu vực khai thác - nơi 200.000 người sống và phụ thuộc vào ngành kinh tế này.
Trước đó, vào tháng 3-2012, Tây Ban Nha ban hành gói thắt lưng buộc bụng trị giá 27 tỷ EUR. Người lao động càng bức xúc hơn khi Tây Ban Nha thắt lưng buộc bụng để được vay 100 tỷ EUR cứu trợ ngành ngân hàng nước này trên bờ vực phá sản do đầu tư quá mức vào bất động sản.
Tâm trạng người dân Tây Ban Nha hiện nay giống tâm trạng người lao động Mỹ 4 năm trước khi các ngân hàng gây ra khủng hoảng kinh tế trong khi chính phủ ra tay cứu giúp họ còn người dân là những nạn nhân của tình trạng suy thoái lại đang phải chịu cắt giảm lương và các chế độ phúc lợi xã hội. Người biểu tình yêu cầu phải trừng phạt các ngân hàng đã gây ra tình trạng tồi tệ hiện nay.
Hai nghiệp đoàn lớn tại Tây Ban Nha là CCOO và UGT đã kêu gọi người lao động tổ chức cuộc tổng đình công lớn vào ngày
19-7 để phản đối các chính sách mới của chính phủ. Hai nghiệp đoàn này cam kết sẽ tổ chức cuộc tổng đình công trong hòa bình, tránh dẫn tới những vụ xô xát với lực lượng an ninh.
Suy thoái tồi tệ
Tây Ban Nha là nền kinh tế đứng thứ 9 thế giới và đứng thứ 5 châu Âu. Nhưng hiện nay xứ sở bò tót đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 24,4% và hoạt động kinh tế giảm gần 2% trong năm nay.
Thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha đã chạm ngưỡng 8,9% GDP năm 2011, cao hơn nhiều so với mục tiêu 6% GDP mà nước này đã thống nhất với Liên minh châu Âu (EU). Tây Ban Nha đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 5,3% GDP trong năm nay và phấn đấu giảm tiếp xuống mức trần quy định 3% GDP của EU vào năm 2013.
Tỷ lệ thất nghiệp chung ở Tây Ban Nha cao đến 24% nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đã lên đến 50%. Các nhà phân tích cho rằng, nỗ lực cải cách của chính phủ là cần thiết và được chờ đợi từ lâu nhưng khó giành được sự ủng hộ của người dân vì nó sẽ khiến cho thị trường lao động hỗn loạn hơn vào thời buổi vốn đã khó khăn hiện nay.
Thanh Hằng