Đấy được xem là 2 nước anh em trên bán đảo Iberia, nhưng là anh em… không hòa thuận. Ông anh là Tây Ban Nha với diện tích gần 195.000 dặm vuông và dân số hơn 45 triệu người. Cậu em Bồ Đào Nha chỉ có dân số hơn 10 triệu người và diện tích khoảng 35.500 dặm vuông. Nhưng đêm nay, khi Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đụng độ ở trận “derby Iberia” đầu tiên trong lịch sử World Cup, đấy lại là cuộc so tài giữa 11 cầu thủ với 11 cầu thủ.
Tại các giải bóng đá quan trọng, Bồ Đào Nha xưa nay chỉ mới 2 lần gặp Tây Ban Nha, đều ở đấu trường Euro. Hồi năm 1984, đôi bên hòa nhau 1-1. Sousa mở tỷ số cho Bồ Đào Nha và Santillana gỡ hòa cho Tây Ban Nha, sau đó cả hai cùng vượt qua vòng bảng. Tuy Tây Ban Nha vào đến chung kết, nhưng Bồ Đào Nha lại được số đông đánh giá là để lại ấn tượng sâu đậm hơn, với Chalana và Jordao trong đội hình. Đằng nào cũng vậy: Bồ Đào Nha thua Pháp ở bán kết, còn Tây Ban Nha thua Pháp ở chung kết. Đội Pháp của Michel Platini hồi ấy là đội bất khả chiến bại, ai gặp họ ở đâu thì thua ở đó! Cuộc đụng độ thứ 2 diễn ra cách đây 6 năm, tại Euro 2004 mà Bồ Đào Nha là đội chủ nhà. Thắng 1-0 (Nuno Gomes ghi bàn), Bồ Đào Nha lọt vào tứ kết trong khi Tây Ban Nha về nước ngay sau vòng bảng.
Tóm lại, “anh” chưa bao giờ thắng “em” ở các giải lớn, nhưng đấy chỉ là thống kê đơn giản từ vỏn vẹn 2 cuộc đụng độ trên sân cỏ Euro. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người dân Bồ Đào Nha có câu “Bạn tốt không đến từ Tây Ban Nha, gió lành không thổi từ Tây Ban Nha”. Suốt từ thế kỷ 15 đến nay, Bồ Đào Nha đã luôn chịu thiệt trong những cuộc cạnh tranh với “người anh em” trên bán đảo Iberia, dĩ nhiên là không chỉ cạnh tranh trong bóng đá – môn chơi chỉ mới thịnh hành từ đầu thế kỷ 20.
Được cho Bồ Đào Nha ở chỗ: Tây Ban Nha lấn lướt, nhưng Bồ Đào Nha lại luôn có được nét riêng đáng nể. Toàn bộ khu vực Nam Mỹ nay là những nước nói tiếng Tây Ban Nha, nhưng nước duy nhất tiếng Bồ Đào Nha lại là Brazil. Ở đấu trường World Cup, Bồ Đào Nha chỉ được góp mặt vỏn vẹn vài lần, nhưng họ có đến 2 lần lọt vào bán kết. Tây Ban Nha thì chưa bao giờ tiến xa hơn vòng tứ kết (trừ World Cup 1950, giải không có vòng tứ kết, bán kết mà cũng chẳng có trận chung kết).
Trong xã hội, có khoảng 3.000 công ty của Tây Ban Nha hoạt động ở Bồ Đào Nha trong khi chỉ có khoảng 100 công ty của Bồ Đào Nha “đi đánh xứ người”. Bóng đá với 11 người mỗi bên xem ra là lĩnh vực dễ dàng nhất để Bồ Đào Nha tìm được niềm vui thắng Tây Ban Nha. Ở Cúp C1 châu Âu, chính Benfica của Bồ Đào Nha là đội đầu tiên chấm dứt sự thống trị của Real Madrid. Nhưng nếu bóng đá được mở rộng ra ngoài sân cỏ thì rút cuộc, Bồ Đào Nha vẫn đành lép vế. Ngay tại Bồ Đào Nha, giải vô địch Tây Ban Nha vẫn thịnh hành hơn, được công chúng xem và báo chí bình luận nhiều hơn. Ngôi sao số 1 Bồ Đào Nha hiện nay là Cristiano Ronaldo, cũng như đàn anh Luis Figo ngày trước, dành những năm tháng đỉnh cao để tỏa sáng tại Tây Ban Nha.
Cũng như hồi Euro 2004, người Bồ Đào Nha nhắc lại câu chuyện về cô thợ nướng bánh Aljubarrotta trước cuộc đụng độ đêm nay với Tây Ban Nha. Chỉ với một… cái muỗng trong tay, Aljubarrotta vẫn quyết chiến đấu với quân xâm lược Tây Ban Nha để bảo vệ quê hương trong trận đánh hồi năm 1385. Cô thợ nướng bánh ấy đã hạ được 7 binh sĩ Tây Ban Nha, góp công quan trọng giúp Bồ Đào Nha chiến thắng. Câu chuyện cổ súy niềm tin ấy đã giúp Bồ Đào Nha thắng Tây Ban Nha tại Euro 2004. Đêm nay, kết quả sẽ như thế nào?
TRI KỶ