Tây Nguyên đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn

Tây Nguyên có tiềm năng nhưng việc trồng rừng gỗ lớn thời gian qua còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng tiềm năng. Với công nghệ giống mới có thể rút ngắn thời gian thu hoạch, các tỉnh Tây Nguyên đang khuyến khích người dân, doanh nghiệp trồng rừng gỗ lớn. 

Chưa thu hút được đoanh nghiệp

Đến khoảnh 1, tiểu khu 153 (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ka Nak - gọi tắt Công ty Ka Nak), chúng tôi choáng ngợp với khu rừng gỗ dổi được trồng nhiều ở nơi đây. Cây dổi mọc thẳng đứng, cành nhánh vươn tỏa khắp nơi. Có cây đường kính 40cm. Bên dưới tán rừng là những cây mì được trồng xen. Các cây tiêu cũng được trồng bám lên cây dổi. Hiện mỗi mét khối gỗ dổi có giá hàng chục triệu đồng nên khu rừng trồng cây dổi lớn này trở thành “miếng mồi ngon” cho lâm tặc. Lúc chúng tôi có mặt, các hộ nhận khoán đi tuần tra, bảo vệ liên tục. 

Theo ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, rừng trồng gỗ lớn của Công ty Ka Nak được trồng từ những năm 1994 đến năm 2004, chủ yếu là gỗ dổi với diện tích hàng trăm hécta. Khu rừng trồng này góp phần tích cực vào việc phòng hộ. Dưới tán rừng, người dân tận dụng để trồng nhiều loại cây ngắn ngày khác để nâng cao thu nhập. Ngoài diện tích của Công ty Ka Nak nói trên, người dân trên địa bàn cũng trồng gỗ lớn trên diện tích đất thu hồi để phục vụ mục đích lâm nghiệp (nhưng quy mô nhỏ lẻ, không tập trung). 

Gia đình ông Siu Blí (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) trồng 4ha gỗ gáo vàng. Khoảng 3 năm trước, trên diện tích này, gia đình ông trồng chuối nhưng giá cả bấp bênh. Nhận thấy gỗ gáo vàng có giá trị, giống mới tầm 10 năm là thu hoạch được nên ông lần lượt chuyển qua trồng. Để đầu tư 4ha này, gia đình ông đã bỏ ra khoảng 100 triệu đồng. Ông dự tính, tới đây sẽ trồng cỏ dưới tán rừng để chăn thả bò và dê, trong khi chờ đợi thu hoạch gỗ gáo vàng. 

Rừng gỗ nhỏ có chu kỳ khai thác 5 - 7 năm, chủ yếu các cây keo, tràm, dùng dể làm gỗ găm, giá trị không cao. Rừng gỗ lớn có chu kỳ khai thác từ 10 năm trở lên, chủ yếu là các cây gỗ bản địa, giá trị gỗ cao hơn. Các cây gỗ lớn thường được trồng nhiều như gáo vàng, sao, cà chít, dổi…

Tây Nguyên đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn ảnh 1 Trồng hồ tiêu dưới rừng gỗ lớn để tăng thu nhập tại lâm phần Công ty Ka Nak
Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT), cho biết, rừng gỗ lớn có khả năng chống xói mòn, rửa trôi đất, khả năng giữ nước tốt hơn so với rừng sản xuất thông thường. Rừng gỗ lớn có tác dụng bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu tốt hơn. Về kinh tế, giá trị trồng rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Tuy nhiên, rừng gỗ lớn thời gian thu hoạch lâu, dẫn đến chưa thu hút được doanh nghiệp, hộ dân phát triển loại rừng này.

Theo Sở NN-PTNT Gia Lai, trước năm 2021, việc trồng rừng chủ yếu là rừng gỗ nhỏ. Còn Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết, những năm qua, tỉnh đã phát triển rừng trồng được 80.240ha nhưng cũng chủ yếu là rừng gỗ nhỏ. 

Nhiều chính sách khuyến khích

Với những lợi ích lớn về kinh tế, xã hội và môi trường mang lại, phát triển rừng gỗ lớn đang được các tỉnh Tây Nguyên khuyến khích. Theo ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, nhờ công nghệ giống đã rút ngắn thời gian thu hoạch, nên gần đây, người ta quan tâm đến trồng gỗ lớn. Trong 5 năm 2021-2025, địa phương phấn đấu trồng 40.000ha rừng, đưa độ che phủ rừng lên 47%. Theo kế hoạch, mỗi năm, địa phương trồng khoảng 8.000ha rừng. Trong điều kiện ngân sách khó khăn thì Sở NN-PTNT chủ động xây dựng kế hoạch theo hướng nhà nước đầu tư dẫn dắt, ngoài ra huy động xã hội hóa, nội lực trong dân, doanh nghiệp trồng rừng. Trong đó, khuyến khích người dân và doanh nghiệp trồng rừng gỗ lớn. 

“Hiện cũng đã có tập đoàn lớn đăng ý tham gia khảo sát, xây dựng trồng rừng gỗ lớn và xin chủ trương xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao. Sở kỳ vọng dự án của doanh nghiệp lớn này khi thành công sẽ tạo đầu ra ổn định, qua đó thúc đẩy người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn”, ông Hoan nói.

Còn ông Nguyễn Đức Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết, định hướng trong giai đoạn từ năm 2021-2025, toàn tỉnh sẽ phát triển khoảng 2.000ha loại rừng này. Tại Kon Tum, vào tháng 4-2021, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên đất trống, đồi núi trọc, đất bạc màu ở địa bàn 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi.

Dự án hỗ trợ trực tiếp bằng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tại huyện Sa Thầy, dự án có quy mô 400ha, khai thác sau 10 năm tuổi (sản xuất gỗ lớn), kinh phí là hơn 8,4 tỷ đồng. Còn huyện Ngọc Hồi, dự án có quy mô hỗ trợ trồng 305,1ha theo hình thức hỗ trợ trồng cây sản xuất gỗ lớn, với kinh đầu tư khoảng 9,9 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là giai đoạn 2021-2024, trong đó công tác hỗ trợ trồng rừng thực hiện trong năm 2021.

Theo Tiến sĩ Phan Việt Hà, đối với địa bàn Tây Nguyên, lợi thế quỹ đất lâm nghiệp còn rất nhiều nên thuận lợi cho việc phát triển rừng gỗ lớn. Việc đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn là rất cần thiết, do đó, ngành chức năng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phát triển mô hình này. Tuy nhiên, việc trồng rừng gỗ lớn hiện nay khó nhất vẫn là vốn đầu tư cao, trong khi thời gian thu hoạch lâu. Do đó, doanh nghiệp, hộ dân muốn phát triển rừng gỗ lớn phải xây dựng mô hình nông - lâm kết hợp để cân đối nguồn thu. Đối với ngành chức năng, cần phải có cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển rừng gỗ lớn như: nguồn vốn, cây giống và các chính sách hỗ trợ, như vậy mới thu hút được doanh nghiệp, người dân phát triển loại rừng này.

Tin cùng chuyên mục