Tây Ninh chú trọng phát triển ngành chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao

Với việc xác định tập trung phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao là một trong bốn đột phá chiến lược của tỉnh, Tây Ninh đang kêu gọi thu hút các dự án (DA) đầu tư quy mô lớn vào ngành chăn nuôi. Điều này đang tạo điều kiện khai khai thác tối đa tiềm năng vừa trở thành động lực lớn, tiếp thêm luồng sinh khí mới vào ngành chăn nuôi, góp phần hướng tới phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thu hút nhiều dự án đầu tư

Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và giáp Campuchia với đường biên giới dài 240km có 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát, 14 cửa khẩu chính và phụ cùng các trục giao thông quan trọng như đường Xuyên Á, Quốc lộ 22B… đang mở ra triển vọng xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC), phát triển ngành chăn nuôi quy mô lớn.


Tây Ninh cũng có hồ Dầu Tiếng cùng với hệ thống kênh mương rất thuận lợi cho chăn nuôi gia súc tập trung, có đàn bò cái chất lượng tốt có thể phối giống để lai tạo đàn bò theo hướng thịt.

Tỉnh cũng có nhiều đồng cỏ chăn thả rộng, thức ăn dồi dào với 750.000 tấn rơm rạ, 100.000 tấn ngọn mía, 11.000 tấn bánh dầu đậu phộng… cung cấp cho gia súc, gia cầm. 

Tây Ninh chú trọng phát triển ngành chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao ảnh 1 Lãnh đạo Bộ NN-PTNT thăm Công ty CP Bel Gà Tây Ninh
Trại chăn nuôi heo có 600 heo nái và 4.000 heo thịt, 14 dãy chuồng trên diện tích hơn 2,4ha (xã Long Chữ, huyện Bến Cầu) do ông Huỳnh Quốc làm chủ. Mỗi tháng, trại sản xuất được 1.200 con heo giống, 1.150 con heo thịt mang lại lợi nhuận 600-700 triệu đồng.
Trại heo được đầu tư chuồng trại lạnh, chăn nuôi khép kín theo quy trình VietGAHP, heo nái giống tốt, ít bệnh tật... tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.
Việc đầu tư máng đựng thức ăn và băng chuyền tải thức ăn, giảm 2 nhân công/trại, tiết kiệm được các bao chứa thức ăn (10.000 đồng/bao). Mỗi lứa nuôi heo thịt 5 tháng với 4.000 con, doanh nghiệp tiết kiệm được 330 triệu đồng. Trại dùng phân, nước thải… để sản xuất Biogasđể chạy máy phát điện, tiết kiệm hơn 40 triệu đồng tiền điện/tháng.
Tây Ninh chú trọng phát triển ngành chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao ảnh 2 Tổng Giám đốc Vũ Mạnh Hùng, Tập đoàn Hùng Nhơn (doanh nghiệp hợp tác với Công ty Bel Gà) giới thiệu về Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà Tây Ninh
Tính chung trong 2 năm (2019- 2020), tỉnh Tây Ninh đã thu hút 46 dự án DA chăn nuôi. Trong đó đáng chú ý, tỉnh có nhiều DA đầu tư quy mô lớn như DA chăn nuôi 1.000.000 gà thịt/lứa, 1.000.000 trứng/ngày (vốn 794 tỷ đồng); DA nuôi 400.000 gà đẻ trứng thương phẩm trên 29,5ha (vốn 261 tỷ đồng)… đang tạo ra xung lực mới góp phần đưa ngành nông nghiệp tỉnh phát triển theo hướng NNCNC, cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi

Nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao

Tây Ninh hiện có nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Đó là mô hình chăn nuôi kết hợp nuôi trùn quế phục vụ sản xuất phân bón vi sinh (lấy phân gia súc nuôi trùn) của Công ty TNHH Nông trại Nhiệt đới, hệ thống dây chuyền máng ăn, uống tự động, có máng chứa thức ăn nên giảm bao bì và giảm số lượng nhân công của Công ty TNHH Chăn nuôi Phước Vinh, hệ thống xử lý khử trùng trứng và tuyển chọn trứng tự động, hiện đại của Công ty TNHH QL FARMS (cùng ở huyện Tân Biên)… đang tạo động lực lớn trong phát triển ổn định và bền vững ngành nông nghiệp Tây Ninh.

Tây Ninh chú trọng phát triển ngành chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao ảnh 3 Mô hình nuôi vịt trên sàn lưới tại xã Thái Bình (huyện Châu Thành)
Mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi bò ngoại của Công ty Phúc Thịnh Vượng (ấp Gia Tân, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) đi vào hoạt động từ năm 2016, với gần 6.000m2 đang mang lại hiệu quả cao. Ðể bảo đảm có được nguồn nguyên liệu ổn định, công ty nuôi gần 50 bò đực, 70 con bò sinh sản, 400 bò thịt giống Thái và Úc.
Công ty chăn nuôi theo hướng hiện đại, đạt chuẩn VietGAHP, con giống được kiểm soát nghiêm ngặt và được nhập từ những trang trại có uy tín, thức ăn được chọn mua kỹ lưỡng, nước uống được quan trắc định kỳ...
Thịt bò của công ty được bán ở các hệ thống LOTTE Mart, hệ thống BigC, siêu thị Emart Gò Vấp, siêu thị Bách Hoá Xanh… cung ứng cho thị trường khoảng 1.958 tấn/năm. Hiện công ty đang mở rộng thị trường, cung ứng, sản xuất thực phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học với quy mô 2.000 con (giống gà Mía) tại thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành. Qua theo dõi, giống gà này phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương, tốc độ sinh trưởng, phát triển cũng như tỷ lệ sống của gà đạt rất tốt.
Trọng lượng bình quân khoảng 1,7 kg/con, vượt so yêu cầu ban đầu đề ra của mô hình trong 3 tháng là khoảng 1,6 kg/con. Với thời gian nuôi 3,5 tháng, giá bán bình quân 80.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các chi phí thì lợi nhuận tổng đàn hơn 20 triệu đồng.
Việc triển khai mô hình này nhằm lựa chọn các giống gà đặc sản từ các tỉnh khác về nuôi, đa dạng hoá nguồn con giống trên địa bàn tỉnh, đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học đến người chăn nuôi, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng. 
Ngoài ra, các mô hình chuồng sàn tiết kiệm nước, sử dụng máy ép tách phân nên thu hồi hầu hết lượng phân thải để sử dụng chế biến phân bón vi sinh phục vụ trồng trọt, giảm lượng chất thải đáng kể của nhà đầu tư Huỳnh Văn Cường (huyện Châu Thành), áp dụng các công nghệ hiện đại trong chăn nuôi (chuồng kín, máng ăn uống tự động, chuồng sàn tiết kiệm nước của Công ty TNHH MTV chăn nuôi Minh Nhật (huyện Tân Châu) đang góp phần đảm bảo an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết, tỉnh xác định NNCNC là một trong bốn đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tỉnh đang quan tâm mời gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, triển khai các DA trong đó có các dự án đầu tư vào chăn nuôi qui mô lớn, công nghệ cao để dẫn dắt nền nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng NNCNC bền vững.

Tin cùng chuyên mục