Thu hút nhiều dự án đầu tư
Tỉnh Tây Ninh đang có nhiều mô hình sản xuất ứng dụng NNCNC như mô hình trồng dưa lưới của Công ty Hoàng Xuân, trồng mãng cầu VietGAP của Công ty CP Natani, trồng cây đinh lăng kết hợp hệ thống năng lượng mặt trời tại huyện Tân Châu… Một trong những sản phẩm nông nghiệp được ưa chuộng nhất ở Tây Ninh là mãng cầu Bà Đen được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, giúp nông dân và doanh nghiệp yên tâm hơn trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện mãng cầu Bà Đen được trồng phổ biến xung quanh núi Bà Đen gồm các địa phương: Thạnh Tân, Tân Bình, phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh (TP Tây Ninh); xã Tân Hưng (huyện Tân Châu); các xã Suối Đá, Phan, Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) với tổng diện tích khoảng 5.000 ha, sản lượng trên 50.000 tấn quả/năm.
Nằm trên địa bàn xã Long Khánh (huyện Bến Cầu), trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh, với tổng diện tích 685ha được mệnh ranh là “khu resort” của 8.000 con bò, bê với kinh phí đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Trang trại đạt tiêu chuẩn Global G.A.P. về quản lý trang trại và chất lượng sữa tươi thuần khiết. Hiện, sản lượng sữa tươi nguyên liệu của trangtrại đạt hơn 100.000 lít sữa/ngày, tương đương gần 40 triệu lít sữa/năm. Đây còn là nơi làm việc lý tưởng với lối thiết kế nổi trên mặt hồ rộng 37.000m², với các khu nhà nghỉ, quầy pha chế thức uống, khu giải trí và thể thao… tạo cảm giác thoải mái trong công việc của người lao động.
Các mô hình chăn nuôi kết hợp nuôi trùn quế phục vụ sản xuất phân bón vi sinh của Công ty TNHH Nông trại Nhiệt đới (huyện Tân Biên); hệ thống dây chuyền máng ăn, uống tự động, có silo chứa thức ăn nên giảm bao bì và giảm số lượng nhân công của Công ty TS Farm (huyện Dương Minh Châu)… đang trở thành động lực thu hút các DA đầu tư quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao và tăng nguồn thu ngân sách.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, tỉnh đang tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất (cả trồng trọt và chăn nuôi); gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, bảo quản với xuất khẩu; quy hoạch và thu hút đầu tư vào nông nghiệp, triển khai các mô hình nông nghiệp tốt nhằm dẫn dắt nông nghiệp địa phương phát triển; thúc đẩy và nâng cao chất lượng mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh liên kết vùng, hướng tới phát triển một nền nông nghiệp bền vững.