Năm 2010, Tây Ninh bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp. Nhưng sau 10 năm thực hiện NTM với sự quyết tâm, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cộng với sự hưởng ứng tích cực tham gia của người dân, đã giúp cho Tây Ninh đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM.
Điểm nổi bật nhất sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2020) của tỉnh Tây Ninh là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Cụ thể, có trên 2.200km đường giao thông nông thôn được đầu tư; vận động nhân dân hiến trên 122.000m2 đất; đóng góp trên 110.000 ngày công làm 58km đường giao thông nông thôn; đóng góp tiền mặt để mua đất, đá nhằm tu sửa, nâng cấp 321 tuyến đường giao thông với chiều dài 327km; gắn trên 8.000 bóng đèn thắp sáng đường quê trị giá trên 2,4 tỷ đồng; trồng 7.300 cây xanh; khai thông 26km kênh mương nội đồng; kiên cố hóa 239km kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã.
Đến nay, toàn tỉnh Tây Ninh có 278 trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất; xây dựng mới và nâng cấp 36 Trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã; 255 Nhà văn hóa đạt chuẩn; cải tạo, nâng cấp 15 chợ nông thôn; 80/80 xã đảm bảo cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, có phủ sóng hoặc mạng để truy cập internet cho người dân khu vực nông thôn; toàn tỉnh có 69 mô hình toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường; trên 98% gia đình đăng ký gia đình văn hóa và 100% cơ sở tôn giáo đăng ký cơ sở tín ngưỡng tôn giáo văn minh.
Thông qua Quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, đã có trên 22.800 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ với tổng số tiền trên 300 tỷ đồng; hỗ trợ gần 24 tỷ đồng cho trên 1.120 lượt người mua cây con giống, vốn sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm ổn định; hỗ trợ hơn 1.000 con trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo; xây và bàn giao trên 1.800 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trị giá gần 125 tỷ đồng và đến nay Tây Ninh cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Ông Mai Văn Nhân, người dân xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu vui mừng nói: “Tôi là nông dân lúc đầu chưa biết NTM là như thế nào, từ ngày đoàn thể tuyên truyền, vận động tôi đã hiểu. Tôi cảm thấy nếu mình là nông dân ở trong một xã NTM, có đường sá thông thoáng, bệnh viện, trường học sạch đẹp, tôi rất mừng. Bản thân tôi cũng vận động bà con trong xóm ấp, có đất hiến đất làm đường, có ngày công thì bỏ ngày công góp sức, khi Nhà nước quan tâm đến người dân ở địa phương, tất cả nhân dân ai nấy phấn khởi khi bệnh viện, trường học được đầu tư đạt chuẩn quốc gia hết ”.
Đó cũng là tâm trạng chung của người dân ấp Thạnh Quới, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu vì từ khi xã Thạnh Đông xây dựng được NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Các tuyến đường trước kia sình lầy, nay được xây dựng bê tông hóa, trải nhựa hoặc trải sỏi đỏ, đường sá sạch đẹp khang trang hơn, người dân vui mừng nên mọi chủ trương về xây dựng NTM, người dân rất phấn khởi đồng tình ủng hộ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tây Ninh có 42/80 xã đạt chuẩn NTM. Kế hoạch cuối năm 2020, Tây Ninh sẽ có 53 xã đạt chuẩn NTM, chiếm trên 66% số xã toàn địa bàn tỉnh, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần X (chỉ tiêu 50% xã NTM) và giờ đây, nhiều địa phương cấp xã đang hướng đến xây dựng NTM nâng cao.
Ông Phạm Vũ Tùng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu cho biết: “Diện mạo kinh tế - xã hội của địa phương từ ngày xây dựng NTM đã có sự thay đổi rõ rệt, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao và bộ mặt nông thôn thay đổi khác trước. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, chúng tôi đặc biệt quan tâm xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, quyết tâm về đích đạt xã NTM nâng cao vào năm 2021”.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Qua 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Tây Ninh phát động phong trào Tây Ninh chung sức xây dựng NTM đã được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia; mỗi cấp, ngành đã xác định rõ cách làm, lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, phát huy vai trò của Chi bộ Đảng từ các ấp, khu dân cư và vai trò chủ thể trực tiếp của từng hộ dân; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt”.