
Mười năm trước, TPHCM từng phối hợp với tỉnh Đắk Lắk tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), nhưng cái chợ ngày ấy chỉ là sự phối hợp của 2 tỉnh thành, với thị trường công nghệ và thiết bị cũng chưa mấy phát triển. Trở lại với Tây Nguyên lần này là một Techmart quy mô khác, có sự tham gia của hàng chục tỉnh thành, với hơn 200 gian hàng chào bán công nghệ và thiết bị. Có thể nói, đây là Techmart đầu tiên của vùng đất Tây Nguyên. Nhân sự kiện này, SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm thông tin Khoa học Công nghệ (TTTT KHCN) TPHCM…
Nơi kết nối công nghệ
* Phóng viên: Xin bà cho biết một số thống kê ban đầu về sự tham gia của các doanh nghiệp KHCN trên địa bàn TPHCM trong Techmart Tây Nguyên 2007.
* Bà TRẦN THỊ THU THỦY: Thống kê đến trước ngày Techmart Tây Nguyên 2008 diễn ra, thì lần này TPHCM có tổng cộng 61 gian hàng của 48 đơn vị. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã chuẩn bị thông tin năng lực và gần 500 công nghệ – thiết bị (CN-TB) của các đơn vị chào bán, chuẩn bị 6 báo cáo CN-TB điển hình. Hiện nay đã có 3 đơn vị TPHCM kết nối được 4 hợp đồng trị giá 115,8 tỷ đồng.
* Lĩnh vực công nghệ nào được tập trung giới thiệu tại hội chợ lần này?

Rất nhiều người dân và doanh nghiệp quan tâm đến các sản phẩm tại Techmart Việt Nam 2007.
* Các đơn vị TPHCM tham gia lần này chủ yếu dựa trên các lĩnh vực đã được Tây Nguyên khảo sát, đặt hàng. Cụ thể đó là các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; cơ khí chế tạo máy; xử lý và bảo vệ môi trường; các phần mềm phục vụ cải cách hành chính, quản lý doanh nghiệp (DN)… So với các tỉnh thành bạn, lần này, TPHCM có nhiều gian hàng tham gia nhất.
* Liệu các DN TPHCM có kỳ vọng lớn ở phiên chợ này, khi họ được đặt hàng trước?
* Đây phần lớn là những loại công nghệ – thiết bị đã được Tây Nguyên khảo sát và đặt hàng, nên rất phù hợp và là những loại CN-TB hỗ trợ phát triển thế mạnh của Tây Nguyên. Tất nhiên, không phải nói phù hợp là tất cả các máy móc, thiết bị tham dự Techmart lần này đều có thể có ích cho Tây Nguyên, đều phù hợp với mọi người. Để mua một CN-TB, người tiêu dùng cũng cần có những hiểu biết của mình mới có thể mang lại hiệu quả cho công việc.
Hình thành một thị trường công nghệ-thiết bị
* Chúng ta đã nhiều lần tổ chức Techmart, ngay trong năm nay, TTTT KHCN đến bây giờ đã lên kế hoạch tham gia khoảng 3 Techmart, tại các vùng miền khác nhau. Số lượng tăng lên, các đơn vị, các tỉnh thành tổ chức Techmart cũng ngày một nhiều hơn. Có phải điều này chỉ ra rằng: thị trường KHCN đang phát triển nhanh chóng?
* Câu hỏi về thị trường là một câu hỏi rộng lớn, cần thống kê trên toàn quốc và thống kê theo nhiều mặt. Ở đây, chúng tôi chỉ xin đánh giá, nhận định theo những gì mình biết. Theo chúng tôi, sự phát triển của thị trường KHCN là rất rõ nét, cả về số lượng và chất lượng. Ngay trong việc tham dự Techmart, các đơn vị tạo ra sản phẩm ngày càng nhiệt tình tham gia hơn, có nhiều đơn vị và sản phẩm tham gia hơn, mặc dù hỗ trợ từ nhà nước cho việc tham gia Techmart đang giảm xuống. Theo quy định, thì từ nay đến hết năm 2010 các DN KHCN sẽ được hỗ trợ kinh phí khi tham gia Techmart, từ ăn ở, đi lại, đến gian hàng… Đó là một trong những giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường KHCN. Tuy nhiên, khi thời hạn đó còn chưa đến, TPHCM đã giảm kinh phí hỗ trợ DN xuống chỉ bằng 30% - 50% trước đây, mà vẫn có rất nhiều DN tham gia Techmart.
* Như vậy, các DN đã tìm được nguồn thu đáng kể từ việc bán sản phẩm của mình, nên đã có thể đầu tư nhiều hơn cho việc bán hàng tại Techmart?
* Thống kê trong 7 năm qua của chúng tôi cho thấy, khi đầu tư 1 triệu đồng để tổ chức hoạt động Techmart, sẽ có hàng trăm triệu đồng chuyển giao CN-TB được ký kết. Mà thực ra đó chỉ là con số bề nổi, con số các hợp đồng ký kết ngay tại Techmart mà chúng tôi nắm được. Theo nhiều doanh nghiệp, việc xúc tiến thương thảo hợp đồng sau Techmart mới là con số lớn.
* Tức là, chính chợ công nghệ đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với nhu cầu cuộc sống?
* Rõ ràng, hiện nay các DN đi tham dự Techmart, cho dù có không bán được sản phẩm, cũng thu được nhiều lợi ích. Họ có dịp để tiếp xúc với người mua, từ đó hiểu ra tại sao CN-TB của mình không được lựa chọn; hay họ có cơ hội để quảng bá thông tin của mình cho các khách hàng tiềm năng; học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị khác tham gia Techmart… Theo tôi, việc phát triển một thị trường là rất quan trọng, và để tham gia Techmart, đôi khi chúng ta không chỉ nên chăm chăm đến tiền, đến hiệu quả kinh tế trước mắt. Vấn đề là làm sao để phát triển DN, để chiếm lĩnh, hay ít ra là chiếm được một phần, thị trường CN-TB.
* Trong mục tiêu phát triển một thị trường như bà nói, Techmart Tây Nguyên 2008 sẽ đóng vai trò gì?
* Thực ra không nên đặt quá nhiều kỳ vọng phát triển cả thị trường lên vai một Techmart, cho dù đó là Techmart quốc gia hay Techmart khu vực cũng thế thôi. Theo tôi, Techmart, như từ ngày mới được TTTT KHCN TPHCM tổ chức lần đầu, đã mang ý nghĩa của một sự kiện, một điểm nhất thu hút sự quan tâm của người dân, các DN đến các sản phẩm CN-TB trong nước sản xuất. Nó chỉ là một cái chợ. Để phát triển một thị trường, chúng ta cần nhiều người bán, nhiều người mua, và cần một thị trường phong phú sản phẩm, chứ không chỉ trông mong vào các ngày “chợ phiên” như Techmart.
* Xin cảm ơn bà.
Techmart Tây Nguyên 2008 do Bộ KH&CN, UBNN tỉnh Đắk Lắk, UBND TPHCM chỉ đạo và quản lý; TTTT KHCN quốc gia; Sở KHCN Đắk Lắk; Sở KHCN TPHCM thực hiện. Techmart Tây Nguyên 2008 được tổ chức tại Trung tâm văn hóa thông tin, đường Hùng Vương, TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc, khai mạc ngày 24-4 và bế mạc ngày 27-4. |
HỒ XUNG