Sau nhiều năm nỗ lực cạnh tranh với hàng ngoại, đến tết năm nay, có thể khẳng định hàng sản xuất tại Việt Nam đã đủ mạnh để chi phối thị trường Tết Nhâm Thìn 2012.
Lên ngôi
Biểu hiện rõ ràng nhất trong tết này, mứt nhập khẩu hầu như không thể tiêu thụ được. Cách đây hơn 3 năm, từ chợ đầu mối Bình Tây mứt nhập gồm mứt gừng, khoai, bí, dừa… của Trung Quốc tràn về các chợ. Nay từ chợ lẻ ở phường, đến chợ trung tâm như Bến Thành, An Đông và chợ đầu mối như Bình Tây gần như chỉ có mứt sản xuất trong nước. Bà Phạm Ngọc Thúy, chủ cơ sở sản xuất bánh mứt Thành Long cho biết: “So với tết năm ngoái, tết này tôi phải tăng công suất gấp đôi, nhưng vẫn không đủ hàng bán”.
Bánh ngoại cũng nhập hàng về cạnh tranh với bánh nội ngay từ đầu tháng 10, nhưng đến thời điểm ngày 22 âm lịch, theo ghi nhận của chúng tôi tại các nhà phân phối lớn như Co.opMart, Maximark, Big C, Citimart… thì bánh nội đang chiếm tỷ lệ từ 80%-90%. Bánh kẹo Việt Nam hiện đang bày bán khoảng 500 mã hàng của gần cả trăm thương hiệu khác nhau, bán khá mạnh phải kể đến là Kinh Đô, Bibica, Phạm Nguyên…
Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark cho biết đa phần khách chọn mua bánh sản xuất trong nước vì mức giá hợp lý, mẫu mã đẹp và quan trọng là có nhà sản xuất chịu trách nhiệm với chất lượng, độ tin cậy của sản phẩm.
Trái cây nội cũng được các điểm bán ưu tiên lấy hàng và khách ưu tiên chọn mua nhiều hơn. Vú sữa, xoài, thanh long, bưởi… là những mặt hàng đang bán chạy hơn hẳn các loại nho, táo, lê… nhập. Bởi người tiêu dùng lo ngại mua trái cây ngoại có dùng chất bảo quản, mua trái cây nội, ngon hơn, giá rẻ hơn và đảm bảo chất lượng. Lượng trái cây về chợ đầu mối Tam Bình (quận Thủ Đức), Bình Điền (quận 8) đã tăng từ 150 tấn/đêm lên 170 tấn/đêm và dự kiến tăng gấp ba, bốn lần vào cao điểm sát tết.
Theo thống kê của Ban quản lý chợ Bình Điền, hơn 90% lượng trái cây cung ứng tết là nguồn hàng từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ; trái cây ngoại chỉ có một số mặt hàng như: bom, lê, nho, cam của Mỹ, Úc, Trung Quốc… chiếm chưa đến 10% trên tổng lượng hàng.
Độc quyền
Những nhóm hàng Việt gần như độc quyền chiếm lĩnh thị trường có thể kể đến như thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến, gạo… Hàng Việt làm được điều này không chỉ Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu mà còn do chất lượng sản phẩm và khẩu vị ngon, nhà sản xuất đã cố công đầu tư uy tín thương hiệu…
Cụ thể, nhiều nhà cung cấp gạo như Mecofood, Foodcosa, Angimex, Gentraco, Minh Cát Tấn, Phú Hải, Bảo Minh, Vinh Phát… đã khai thác tối đa lợi thế vùng miền của sản phẩm để tung mặt hàng gạo cao cấp, gạo đặc sản trong dịp tết.
Công ty Lương thực Long An (Mecofood) có gạo Thố cơm, gạo Nàng hương chợ Đào nổi tiếng của vùng lúa Long An. Công ty Lương thực Tiền Giang bán gạo cao cấp của vùng đồng bằng sông Tiền như Chín con rồng vàng, gạo Hồng hạc, Hoa mai vàng… được sản xuất bởi dây chuyền công nghệ hiện đại, có máy tách màu gạo nên hình thức đẹp, không có tạp chất và thóc lẫn, có thể bảo quản lâu dài.
Với tỷ lệ áp đảo đến 98% thị phần, thực phẩm đông lạnh và chế biến trong nước gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. Với hơn 10.000 loại sản phẩm của khoảng 500 nhà cung cấp, theo các siêu thị, doanh thu từ bán hàng nội chiếm tỷ lệ tương đương với thị phần. Điểm qua các sản phẩm đang bày bán, có thể thấy các nhà sản xuất trong nước đã tận dụng các nguyên liệu từ tôm, cá, ốc, nước luộc thủy sản, rau củ, gạo, bắp… để cung cấp cho người tiêu dùng thực đơn món ăn tiện dụng như xôi hải sản chiên, lẩu…
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM nói: “Việc hàng Việt đang chiếm đến 90% là thành quả của sự tổng lực, chung sức chung lòng của cả cộng đồng, từ các doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhà kinh doanh phân phối…, cùng nỗ lực mới làm được”.
Thúy Hải – Thảo Nga