Ngôi chợ nào cũng cung cấp đủ cho các bà nội trợ từ cái chân đùi con heo cho đến những con gà, con vịt, con cá lóc đồng, con cá rô ruộng vừa mang từ quê nhà xa lắc lên cho đến những thứ lon ca lon con như củ hành, củ tỏi, hạt tiêu, nhánh sả. Tuy vậy, trong đời sống hiện đại này, những ngày trước tết các bà nội trợ cũng ráng chen chân đến các siêu thị lớn, đặc biệt nhất là Saigon Co.op vì siêu thị này có rất nhiều chương trình khuyến mãi, chở hàng về nhà theo yêu cầu của khách. Bà chị nào lười nấu nồi thịt kho tàu ngày tết thì cứ đến Saigon Co.op mà đặt, đến ngày 30 thì đến mà mang về, ôi sao mà khỏe vậy! Chồng con nào biết, mà có biết thì cũng khen ngon tuýt suỵt. Đố dám mà chê. He…he…
Cái siêu thị lớn của Sài Gòn ngày xưa mà tôi nói đến là là siêu thị Nguyễn Du, khai trương ngày 16-10-1967. Siêu thị này tọa lạc tại góc đường Nguyễn Du và Chu Mạnh Trinh trên khoảng đất có diện tích là 30.000m2 (trước là tư thất của thống tướng VNCH Lê Văn Tỵ). Siêu thị Nguyễn Du được đánh giá là một siêu thị cỡ trung vì diện tích khu bán hàng chỉ có 800m2, phần diện tích còn lại là dùng để làm khu đậu xe, kho châm hàng, kho đông lạnh, kho dự trữ…
Trước đây, chính quyền Sài Gòn chưa có một ý niệm nào về siêu thị. Tổng cục Tiếp tế (TCTT) - một cơ quan của Tổng bộ Kinh tế Tài chánh được thành lập với nhiệm vụ quân bình hóa thị trường. Ngoài những công việc cấp bách cần phải giải quyết như thiếu xe gắn máy, điều hòa việc phân phối gạo, thịt heo, TCTT còn dự định thiết lập các tổ chức trung tâm bán lẻ để thiết thực phục vụ đại chúng. Và công tác nghiên cứu thành lập siêu thị được nghiên cứu tại Manila, Hong Kong và Singapore.
Ngày khai trương, khách hàng nô nức đi vào một khu buôn bán rất lạ, chưa bao giờ có tại Sài Gòn. Khách đi tay không vào siêu thị bằng một cửa quay, tự lấy một giỏ xách hay một xe đẩy, tự động chọn hàng chất đống trên các quầy có ghi sẵn giá, không phải trả giá. Lúc khai trương, siêu thị bán 9 loại hàng hóa như ngũ cốc, thực phẩm tươi, thực phẩm điều chế, nhiên liệu nấu ăn, hàng vải, sản phẩm vệ sinh, dụng cụ học sinh, dược phẩm và nhu yếu phẩm gồm trên 3.000 món hàng. Sau khi mua hàng rồi đến các quầy thanh toán, có các cô thu ngân viên mặc áo dài tha thướt thu tiền bằng máy tự động.
Đối với chúng ta thời nay thì hình ảnh này rất bình thường, nhưng vào năm 1967 thì vô cùng…lạ. Nhiều khách hàng rất lớ ngớ, lơ ngơ vì quen cách trả giá, mua hàng ở các chợ gần nhà. Trong thời gian đầu, chỉ có những công chức đã được TCTT cấp phát thẻ tiếp tế màu đỏ mới được mua hàng ở siêu thị vì giá hạ hơn thị trường. Bởi vậy, đã có tình trạng là người đi vào mua hàng ở siêu thị mang ra ngoài bán lại kiếm tiền chênh lệch. Nhưng sau này, khi có sức cung ứng đủ hàng hóa thì ai cũng có thể vào siêu thị mua hàng và không có sự chênh lệch giá cả trong và ngoài siêu thị.
Để thúc đẩy sự phát triển siêu thị, TCTT đã thành lập một trung tâm phát triển siêu thị mang nhiều tính chất tư nhân hơn là do chính quyền đầu tư. Chỉ đến tháng 5-1968, Sài Gòn đã có 7 siêu thị nhỏ do tư nhân làm chủ như An Đông, Đoàn Thị Điểm, Bàn Cờ, Lam Sơn… TCTT còn ước mơ xa hơn là lập “Viện Siêu thị” nằm trong chuỗi “Viện Siêu thị quốc tế”…
Với các bà nội trợ lúc đó, đi siêu thị Nguyễn Du hay những siêu thị nhỏ là đi chợ văn minh, có những cô thu ngân, bán hàng trong tà áo dài phục vụ trong gian hàng có máy lạnh phà phà, không phải trả giá, nhưng đâu phải mặt hàng nào cũng có mà cũng không phải ai cũng có thể đi siêu thị vì khoảng cách địa lý. Ngoài ra, việc đi chợ truyền thống là một nhu cầu tâm lý, thói quen, tiện lợi (đến năm 2019 những yếu tố này vẫn tồn tại). Bởi vậy, các chợ truyền thống như Bến Thành, Bình Tây, Tân Định… vẫn dập dìu tấp nập bóng dáng những người phụ nữ tảo tần. Cuộc sống của tiểu thương các ngôi chợ An Đông, Bàn Cờ, Vườn Chuối, chợ Cũ… không bị siêu thị làm ảnh hưởng. Siêu thị cùng các chợ truyền thống chen vai thích cánh cùng tồn tại và phát triển. Riêng đối với nam thanh nữ tú Sài Gòn chúng tôi những năm đầu thập niên 70 thì siêu thị cũng nằm trong danh mục “nơi đi, đến và nghía”.
Sau khi đi chơi chán chê ở Thương xá Tax, Crystal Palace (thương xá Tam Đa), Saigon Departo, Eden… thì hết chỗ bát phố. Buồn tình đi vào siêu thị dòm dòm chơi cũng như hưởng cái mát lạnh của dàn máy lạnh tối tân đang phun hơi phà phà. Nói gì thì nói, đối với mấy thằng học sinh tiểu quỷ thì siêu thị Nguyễn Du cũng chẳng phải là nơi đến lần đầu từ khi thành lập cho đến năm 1975. Rồi từ đó siêu thị tịt ngòi cho đến ngày Saigon Co.op làm bừng dậy khí thế… đi chợ như Tây.
Tất nhiên, nếu so đi tính lại thì siêu thị Nguyễn Du ngày xa xưa của trên 50 năm về trước thì chẳng là gì so với những Saigon Co.op bây giờ. Siêu thị Nguyễn Du, nói gì thì nói vẫn chưa thể là một cái chợ dành cho đại chúng với nhiều hàng hóa, cung cách phục vụ tận răng như các siêu thị bây giờ. Ngày tết thì chẳng bà nội trợ nào dám nghĩ đến chuyện đi siêu thị Nguyễn Du làm nồi thịt kho tàu cho gia đình ăn chơi. Mua mứt, lạp xưởng vẫn ghé chợ Bến Thành cho mấy chú Ba mài dao mà cứa cổ. Tuy nhiên, siêu thị Nguyễn Du vẫn là một chút gì đó để chúng tôi - những người trẻ tuổi ngày đó có thể nhớ và chép miệng: “Ôi siêu thị hả, tao rành quá trời, hồi 8 tuổi tao đã đi siêu thị rồi… Hồi đó, tụi tao văn minh lắm chứ bộ bây giờ mới biết siêu thị sao?”.